Sau đây là bài viết về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tài chính được quy định trong Quyết định 2829/QĐ-BTC năm 2024.
Điều chỉnh Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tài chính (Hình từ Internet)
Ngày 27/11/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quyết định 2829/QĐ-BTC về Quy chế xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật tài chính.
Theo quy định tại Điều 13 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 2829/QĐ-BTC năm 2024 thì việc điều chỉnh Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tài chính được thực hiện như sau:
- Việc đề xuất điều chỉnh chương trình được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
+ Bổ sung vào chương trình những văn bản quy phạm pháp luật phải soạn thảo, ban hành trong các trường hợp: Nhiệm vụ mới phát sinh được giao tại các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành hoặc theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; thực hiện theo kiến nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; do yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn phải sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật; yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cho phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hoặc để thực hiện các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
+ Đưa ra khỏi Chương trình những dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa cần thiết hoặc không còn cần thiết phải ban hành;
+ Điều chỉnh lùi thời điểm trình ban hành đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật không đảm bảo tiến độ vì lý do bất khả kháng (trừ văn bản quy định chi tiết);
+ Điều chỉnh thời điểm trình sớm hơn quy định (chỉ áp dụng đối với chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết) trong trường hợp có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc các thủ tục soạn thảo đã được hoàn thiện theo quy định;
+ Gộp nội dung các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết có cùng phạm vi, đối tượng điều chỉnh; gộp văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp một văn bản sửa nhiều văn bản.
- Trường hợp phát sinh yêu cầu điều chỉnh chương trình theo quy định tại khoản 1 Điều này, đơn vị được giao chủ trì soạn thảo có công văn gửi Vụ Pháp chế để tổng hợp trình Bộ phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Cụ thể trong từng trường hợp như sau:
+ Trường hợp bổ sung chương trình dự án luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, đơn vị đề xuất bổ sung chương trình có trách nhiệm lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định trình Chính phủ phê duyệt làm cơ sở đăng ký chương trình theo quy định tại Mục 1 Chương II Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 2829/QĐ-BTC năm 2024.
Đối với nghị định của Chính phủ quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 thì việc bổ sung vào chương trình thực hiện theo quy định tại Điều 8 Quy chế này để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đối với quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính, tại công văn xin bổ sung vào Chương trình thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 8 và điểm b khoản 4 Điều 9 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 2829/QĐ-BTC năm 2024.
+ Trường hợp rút hoặc điều chỉnh thời hạn trình (trong đó có đề xuất điều chỉnh thời điểm trình sớm hơn đối với các dự án luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội), gộp nội dung của văn bản trong chương trình với văn bản khác, đơn vị chủ trì có trách nhiệm nêu rõ lý do, đánh giá tác động của việc rút hoặc điều chỉnh thời hạn trình; phương hướng, giải pháp và thời gian thực hiện.
Riêng việc xin rút hoặc điều chỉnh thời hạn trình đối với các đề án, văn bản thuộc Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ còn phải thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
+ Sau khi nhận được công văn đề nghị của đơn vị, Vụ Pháp chế có trách nhiệm rà soát, cho ý kiến, trao đổi, thống nhất với đơn vị về những nội dung còn chưa rõ; trên cơ sở đó, trình Bộ ký công văn gửi Bộ Tư pháp để báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh chương trình luật, pháp lệnh, nghị quyết; công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc trình Bộ điều chỉnh chương trình xây dựng thông tư của Bộ.
- Đối với các văn bản quy phạm pháp luật thuộc chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nội dung phức tạp, còn có nhiều ý kiến khác nhau cần phải trình Bộ xin ý kiến về chủ trương điều chỉnh chương trình thì đơn vị chủ trì soạn thảo có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Vụ Pháp chế trình Bộ xin ý kiến về việc điều chỉnh chương trình và ký công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ để cho phép điều chỉnh chương trình (công văn điều chỉnh chương trình sao gửi cho Vụ Pháp chế để theo dõi đôn đốc).
Xem thêm Quyết định 2829/QĐ-BTC có hiệu lực từ ngày 27/11/2024.
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |