Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân” từ ngày 15/4/2024; Hướng dẫn nội dung tổ chức phong trào thi đua từ ngày 15/4/2024;...là những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ giữa tháng 04/2024 (từ ngày 11 – 20/04/2024).
Đây là nội dung được Chính phủ ban hành tại Nghị định 25/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 quy định về xét tặng danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú", có hiệu lực từ ngày 15/4/2024.
Theo đó, danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân” được xét tặng cho cá nhân đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú” đạt các tiêu chuẩn sau:
- Các tiêu chuẩn quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều 65 Luật Thi đua, khen thưởng 2022.
- Có tài năng xuất sắc trong nghiên cứu, phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ về y tế, đạt được một trong các tiêu chuẩn sau:
+ Là chủ nhiệm ít nhất 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, tỉnh đã được nghiệm thu, kết quả đánh giá, xếp loại ở mức đạt trở lên;
+ Là thành viên nghiên cứu chính thực hiện 02 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đã được nghiệm thu, kết quả đánh giá, xếp loại ở mức đạt trở lên;
+ Là tác giả ít nhất 02 sáng kiến được ứng dụng mang lại hiệu quả cao, có phạm vi ảnh hưởng rộng rãi được bộ, ban, ngành, tỉnh công nhận;
+ Là tác giả hoặc đồng tác giả ít nhất 01 sáng chế ứng dụng trong lĩnh vực y tế được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ cấp chứng nhận độc quyền sáng chế.
- Có thành tích xuất sắc trong công tác y tế góp phần cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, đạt một trong các tiêu chuẩn sau:
+ Đã được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động” hoặc “Anh hùng lực lượng vũ trang”;
+ Đã được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc;
+ Đã được tặng Huân chương Lao động hoặc Huân chương Bảo vệ Tổ quốc từ hạng Ba trở lên;
+ Đã được tặng 01 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và ít nhất 02 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 1/2024/TT-BNV ngày 24/02/2024 hướng dẫn Luật Thi đua, khen thưởng 2022 và Nghị định 98/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thi đua, khen thưởng 2022, có hiệu lực từ ngày 15/4/2024.
Cụ thể, về nội dung tổ chức phong trào thi đua thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm triển khai tổ chức phong trào thi đua trong phạm vi quản lý theo một số nội dung sau:
- Tổ chức phong trào thi đua gắn với chức năng, nhiệm vụ được giao hoặc mục tiêu, định hướng, chiến lược phát triển của cơ quan, đơn vị, tổ chức. Phong trào thi đua phải có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, dễ hiểu, có chỉ tiêu, nội dung, kế hoạch, phương pháp thi đua cụ thể, thiết thực, phù hợp với điều kiện, khả năng tham gia của cá nhân, tập thể, hộ gia đình.
- Triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động cá nhân, tập thể, hộ gia đình tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua. Thường xuyên đôn đốc, theo dõi quá trình tổ chức thực hiện; chú trọng công tác chỉ đạo điểm, hướng dẫn, kiểm tra đối với phong trào thi đua có thời gian thực hiện từ 03 năm trở lên; phát hiện nhân tố mới, điển hình tiên tiến để tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng. Sơ kết, tổng kết, khen thưởng các cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích trong phong trào thi đua. Tăng cường phổ biến các sáng kiến, kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả để cá nhân, tổ chức, hộ gia đình khác học tập và làm theo.
- Tổng kết phong trào thi đua phải đánh giá đúng kết quả, hiệu quả, tác dụng; tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức phong trào thi đua. Việc bình xét, công nhận danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng phải đảm bảo nguyên tắc chính xác, công khai, minh bạch, công bằng; kịp thời khen thưởng các cá nhân, tập thể, hộ gia đình tiêu biểu xuất sắc; khuyến khích khen thưởng cá nhân là ngư dân, đồng bào dân tộc thiểu số, nông dân, công nhân, người yếu thế, khuyết tật; tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong lao động, sản xuất, học tập, công tác; cán bộ, công chức, viên chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 13/2024/TT-BTC ngày 23/02/2024 hướng dẫn xác định nguồn kinh phí và lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế, có hiệu lực từ ngày 15/4/2024.
Theo đó, việc lập dự toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện chính sách tinh giản biên chế được hướng dẫn như sau:
* Đối với các bộ, cơ quan ở trung ương:
Hàng năm, căn cứ tình hình thực hiện chính sách tinh giản biên chế (bao gồm số đối tượng tinh giản biên chế và số tiền trợ cấp cho từng đối tượng tinh giản biên chế do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đối tượng tinh giản biên chế lập và được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định 29/2023/NĐ-CP); kế hoạch thực hiện tinh giản biên chế năm sau liền kề theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 29/2023/NĐ-CP, chỉ đạo bộ phận kế hoạch tài chính trực thuộc xây dựng dự toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế để tổng hợp trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm gửi cơ quan tài chính cùng cấp trình cấp có thẩm quyền bố trí, giao dự toán kinh phí thực hiện tinh giản biên chế trong dự toán hàng năm của các bộ, cơ quan ở trung ương.
* Đối với các địa phương:
Căn cứ tình hình thực hiện chính sách tinh giản biên chế (bao gồm số đối tượng tinh giản biên chế và số tiền trợ cấp cho từng đối tượng tinh giản biên chế do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đối tượng tinh giản biên chế lập và được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định 29/2023/NĐ-CP), kế hoạch thực hiện tinh giản biên chế năm sau liền kề theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 29/2023/NĐ-CP, các địa phương xây dựng dự toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế năm kế hoạch tổng hợp chung vào nhu cầu thực hiện cải cách tiền lương trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm.
Đây là nội dung được Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tại Thông tư 01/2024/TT-BYT ngày 01/3/2024 quy định về danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị thuộc Bộ Y tế và thuộc phạm vi quản lý trong lĩnh vực y tế tại địa phương, có hiệu lực từ ngày 15/4/2024.
Cụ thể, thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị thuộc Bộ Y tế và thuộc phạm vi quản lý trong lĩnh vực y tế tại địa phương là từ đủ 02 năm đến 05 năm theo đặc thù của từng vị trí công tác.
Thời điểm chuyển đổi vị trí công tác được tính từ ngày có quyết định hoặc văn bản phân công đảm nhiệm vị trí công tác đó. Đối với các quyết định và văn bản phân công đảm nhiệm vị trí công tác đã ban hành trước thời điểm Thông tư 01/2024/TT-BYT có hiệu lực được xét để tính thời gian đảm nhận vị trí công tác đó.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |