Hướng dẫn cấp phát thuốc methadone cho người bệnh; Phân loại mức độ rủi ro của người khai hải quan từ ngày 15/3/2024; Ban hành Bảng mã số HS đối với danh mục hàng hóa thuộc quản lý của Bộ NN&PTNT;... là những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ giữa tháng 03/2024 (từ ngày 11 – 20/03/2024).
Ngày 29/12/2023, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 26/2023/TT-BYT hướng dẫn quản lý thuốc methadone, trong đó có quy định về việc kê đơn và cấp phát thuốc methadone cho người bệnh.
Theo đó, hướng dẫn về việc cấp phát thuốc methadone cho người bệnh như sau:
- Khi cấp phát thuốc methadone cho người bệnh, nhân viên cấp phát thuốc có trách nhiệm:
+ Cấp phát đúng liều cho người bệnh theo chỉ định ghi trong đơn thuốc methadone;
+ Quan sát người bệnh trong khi uống thuốc để bảo đảm người bệnh uống hết thuốc methadone trước khi ra khỏi cơ sở điều trị thay thế hoặc cơ sở cấp phát thuốc;
+ Ghi chép việc sử dụng thuốc methadone của người bệnh vào Sổ theo dõi phát thuốc methadone hàng ngày theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 26/2023/TT-BYT và Phiếu theo dõi điều trị bằng thuốc methadone theo Mẫu số 03 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 26/2023/TT-BYT.
- Khi nhận thuốc methadone tại cơ sở điều trị thay thế hoặc cơ sở cấp phát thuốc, người bệnh có trách nhiệm:
+ Uống hết thuốc methadone trước sự có mặt của nhân viên y tế, trừ trường hợp được cấp thuốc methadone mang về sử dụng theo hướng dẫn của Bộ Y tế;
+ Ký tên hoặc xác nhận đã uống thuốc vào Phiếu theo dõi điều trị bằng thuốc methadone theo Mẫu số 03 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 26/2023/TT-BYT.
Thông tư 26/2023/TT-BYT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/3/2024.
Ngày 29/01/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 06/2024/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 81/2019/TT-BTC quy định quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan.
Theo đó, quy định người khai hải quan được phân loại mức độ rủi ro theo một trong những hạng sau:
- Hạng 1: Doanh nghiệp ưu tiên là doanh nghiệp theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Thông tư 81/2019/TT-BTC.
- Hạng 2: Người khai hải quan rủi ro rất thấp.
- Hạng 3: Người khai hải quan rủi ro thấp.
- Hạng 4: Người khai hải quan rủi ro trung bình.
- Hạng 5: Người khai hải quan rủi ro cao.
- Hạng 6: Người khai hải quan rủi ro rất cao.
- Hạng 7: Người khai hải quan không có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong 365 ngày trở về trước tính từ ngày đánh giá và chưa từng bị xử lý về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực hải quan và lĩnh vực khác do cơ quan hải quan xử phạt.
- Hạng 8: Người khai hải quan không có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong 365 ngày trở về trước tính từ ngày đánh giá và đã từng bị xử lý về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực hải quan và lĩnh vực khác do cơ quan hải quan xử phạt, trừ các hành vi quy định đối với Hạng 9 tại Điều này.
- Hạng 9: Người khai hải quan không có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong 365 ngày trở về trước tính từ ngày đánh giá và đã từng bị xử lý vi phạm thuộc một trong các hành vi quy định tại Mục I, Mục II Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư 06/2024/TT-BTC.
Xem chi tiết tại Thông tư 06/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/03/2024. Nội dung quy định tại khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 1 Thông tư 06/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/7/2025.
Ngày 02/02/2024, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 01/2024/TT-BNNPTNT ban hành bảng mã số HS đối với danh mục hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Theo đó, ban hành Bảng mã số HS đối với danh mục hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cụ thể:
(1) Bảng mã số HS đối với danh mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch;
(2) Bảng mã số HS đối với danh mục động vật khác trong chăn nuôi;
(3) Bảng mã số HS đối với danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu;
(4) Bảng mã số HS đối với danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn;
(5) Bảng mã số HS đối với danh mục động vật, sản phẩm động vật thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch;
(6) Bảng mã số HS đối với danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam;
(7) Bảng mã số HS đối với danh mục các loài thủy sản xuất khẩu có điều kiện;
(8) Bảng mã số HS đối với danh mục các loài thủy sản cấm xuất khẩu;
(9) Bảng mã số HS đối với danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật của Việt Nam;
(10) Bảng mã số HS đối với danh mục thực phẩm có nguồn gốc thực vật nhập khẩu;
(11) Bảng mã số HS đối với danh mục giống cây trồng;
(12) Bảng mã số HS đối với danh mục nguồn gen cây trồng cấm xuất khẩu;
(13) Bảng mã số HS đối với danh mục muối (kể cả muối ăn và muối bị làm biến tính);
(14) Bảng mã số HS đối với sản phẩm thức ăn chăn nuôi thương mại được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
(15) Bảng mã số HS đối với danh mục hóa chất, sản phẩm sinh học, vi sinh vật cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi;
(16) Bảng mã số HS đối với danh mục hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam và thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản thành phẩm;
(17) Bảng mã số HS đối với danh mục hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật cấm sử dụng trong thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản;
(18) Bảng mã số HS đối với danh mục thuốc thú y, nguyên liệu thuốc thú y được phép nhập khẩu lưu hành tại Việt Nam;
(19) Bảng mã số HS đối với danh mục phân bón;
(20) Bảng mã số HS đối với danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu là gỗ tròn, gỗ xẻ các loại từ gỗ rừng tự nhiên trong nước;
(21) Bảng mã số HS đối với danh mục gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ khi xuất khẩu phải có hồ sơ lâm sản hợp pháp;
(22) Bảng mã số HS đối với danh mục giống cây trồng lâm nghiệp;
(23) Bảng mã số HS đối với danh mục thuốc bảo vệ thực vật;
(24) Bảng mã số HS đối với danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam;
(25) Bảng mã số HS đối với danh mục về lĩnh vực khai thác thủy sản;
(26) Bảng mã số HS đối với danh mục sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi;
(27) Bảng mã số HS đối với danh mục máy, thiết bị nông nghiệp.
Xem chi tiết tại Thông tư 01/2024/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 20/3/2024.
Ngày 02/02/2024, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 02/2024/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của lãnh đạo, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ của đơn vị đăng kiểm phương tiện thủy nội địa.
Theo đó, quy định tiêu chuẩn đăng kiểm viên thẩm định thiết kế như sau:
- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với ngành hoặc chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm.
- Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ theo yêu cầu của vị trí việc làm.
- Đã hoàn thành chương trình tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên thẩm định thiết kế phương tiện thủy nội địa theo quy định tại điểm 1.5 Mục I Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 02/2024/TT-BGTVT.
- Đã thực tập nghiệp vụ thẩm định thiết kế tối thiểu 06 (sáu) tháng đối với các phương tiện thuộc nhiệm vụ của đăng kiểm viên thẩm định thiết kế phương tiện thủy nội địa theo quy định tại điểm 2.3 Mục II Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 02/2024/TT-BGTVT.
- Đạt yêu cầu về kiểm tra thực tế năng lực thực hành nghiệp vụ đăng kiểm viên thẩm định thiết kế phương tiện thủy nội địa trước khi công nhận lần đầu.
Xem chi tiết tại Thông tư 02/2024/TT-BGTVT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/3/2024.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |