Sửa đổi hình thức xử phạt bổ sung trong xử phạt hành chính đối với lĩnh vực sở hữu công nghiệp; Bãi bỏ một số nội dung công khai của Công an trong công tác bảo đảm TTATGT; Sửa quy định về hình thức tiền gửi rút trước hạn… là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ giữa tháng 11/2024 (từ ngày 11/11 - 20/11/2024)
Ngày 30/9/2024, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư 06/2024/TT-BKHCN sửa đổi Thông tư 11/2015/TT-BKHCN hướng dẫn Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, trong đó có sửa đổi hình thức xử phạt bổ sung.
Theo đó, hình thức xử phạt bổ sung trong xử phạt hành chính đối với lĩnh vực sở hữu công nghiệp được sửa đổi tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 06/2024/TT-BKHCN như sau:
Khi áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại điểm c khoản 2 Điều 3 Nghị định 99/2013/NĐ-CP, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính áp dụng biện pháp đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của tổ chức, cá nhân vi phạm theo nguyên tắc đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính.
Biện pháp đình chỉ toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của tổ chức, cá nhân vi phạm áp dụng đối với trường hợp toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ này liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính
Ngoài ra, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp được sửa đổi tại khoản 3 Điều 1 Thông tư 06/2024/TT-BKHCN như sau:
Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính xem xét, áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính là tạm giữ tên miền khi nhận được các tài liệu hợp lệ của chủ thể kiến nghị xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến việc chiếm hữu, sử dụng tên miền được quy định tại điểm a khoản 16 Điều 14 Nghị định 99/2013/NĐ-CP, bao gồm:
- Đề nghị áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính “tạm giữ tên miền” (bằng văn bản riêng hoặc thể hiện trong đơn kiến nghị xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến việc chiếm hữu, sử dụng tên miền);
- Văn bản ủy quyền theo quy định tại Điều 23 Nghị định 99/2013/NĐ-CP (nếu có);
- Tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến việc chiếm hữu, sử dụng tên miền theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 19 Thông tư 11/2015/TT-BKHCN.
Xem thêm chi tiết tại Thông tư 06/2024/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 15/11/2024.
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư 46/2024/TT-BCA ngày 30/9/2024 sửa đổi Thông tư 67/2019/TT-BCA quy định thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Theo đó, tại Điều 2 Thông tư 46/2024/TT-BCA bãi bỏ điểm d khoản 1, điểm c khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 5 Thông tư 67/2019/TT-BCA quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Cụ thể, nội dung bãi bỏ liên quan đến công khai trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông bao gồm:
**Trong công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính, bãi bỏ nội dung:
“Kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông, Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên, gồm các nội dung cụ thể sau: Tên đơn vị; tuyến đường; các loại phương tiện và các hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý; thời gian thực hiện;”
**Công tác đăng ký, cấp biển số xe:
“Trang phục, số hiệu Công an nhân dân của cán bộ làm nhiệm vụ đăng ký, cấp biển số xe;”
**Công tác chỉ huy, điều khiển giao thông:
“Trang phục, số hiệu Công an nhân dân và các phương tiện kỹ thuật, công cụ hỗ trợ được công khai theo quy định;”
Bên cạnh đó, còn sửa đổi một số nội dung liên quan đến công khai trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Đơn cử, trong công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính sửa đổi bổ sung các nội dung:
+ Tên, địa chỉ, số điện thoại trực ban, hòm thư góp ý, tài khoản mạng xã hội, thời gian tiếp công dân giải quyết xử lý vi phạm hành chính của cơ quan Công an có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính;
(Hiện hành, tên cơ quan, địa chỉ, số điện thoại trực ban, hòm thư góp ý của cơ quan Công an có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính)
+ Các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ dùng để phát hiện vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính;
(Hiện hành, trang phục, số hiệu Công an nhân dân và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật, công cụ hỗ trợ được công khai theo quy định)
Xem thêm tại Thông tư 46/2024/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 15/11/2024.
Ngày 30/9/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 47/2024/TT-NHNN sửa đổi Khoản 3 Điều 3 Thông tư 04/2022/TT-NHNN quy định về áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, Điều 1 Thông tư 47/2024/TT-NHNN sửa đổi khoản 3 Điều 3 Thông tư 04/2022/TT-NHNN liên quan đến hình thức tiền gửi rút trước hạn.
Cụ thể, hình thức tiền gửi rút trước hạn bao gồm:
- Tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn.
- Tiền gửi có kỳ hạn.
- Chứng chỉ tiền gửi do tổ chức tín dụng phát hành. (Hiện hành quy định: Chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành)
- Các hình thức nhận tiền gửi có kỳ hạn khác theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 thì tổ chức tín dụng là tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân thực hiện một, một số hoặc tất cả hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2024. Tổ chức tín dụng bao gồm:
- Ngân hàng là tổ chức tín dụng có thể được thực hiện tất cả hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2024. Các loại hình ngân hàng bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã.
- Tổ chức tín dụng phi ngân hàng là tổ chức tín dụng được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2024, trừ hoạt động nhận tiền gửi của cá nhân và cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng. Các loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng bao gồm công ty tài chính tổng hợp và công ty tài chính chuyên ngành.
- Tổ chức tài chính vi mô là tổ chức tín dụng chủ yếu thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng, nhằm đáp ứng nhu cầu của cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và doanh nghiệp siêu nhỏ.
- Quỹ tín dụng nhân dân là tổ chức tín dụng do pháp nhân, cá nhân, hộ gia đình tự nguyện thành lập dưới hình thức hợp tác xã để thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống.
Xem thêm Thông tư 47/2024/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 20/11/2024.
Ngày 30/9/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 46/2024/TT-NHNN quy định về việc áp dụng lãi suất đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Thông tư 46/2024/TT-NHNN quy định việc áp dụng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ của tổ chức (không bao gồm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài), cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất tiền gửi bằng đô la Mỹ không vượt quá mức lãi suất tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ đối với:
- Tiền gửi của tổ chức.
- Tiền gửi của cá nhân.
Lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ quy định tại Thông tư 46/2024/TT-NHNN bao gồm các khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức, áp dụng đối với phương thức trả lãi cuối kỳ và các phương thức trả lãi khác được quy đổi theo phương thức trả lãi cuối kỳ.
Tổ chức tín dụng niêm yết công khai lãi suất tiền gửi bằng đô la Mỹ tại địa điểm giao dịch hợp pháp thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng và đăng tải trên trang thông tin điện tử (nếu có) của tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng khi nhận tiền gửi không được thực hiện khuyến mại dưới mọi hình thức (bằng tiền, lãi suất và các hình thức khác) không đúng với quy định của pháp luật.
Thông tư 46/2024/TT-NHNN thay thế Thông tư 06/2014/TT-NHNN quy định lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng.
Đối với các thỏa thuận lãi suất tiền gửi bằng đô la Mỹ trước ngày 20/11/2024, tổ chức tín dụng và khách hàng tiếp tục thực hiện theo thỏa thuận cho đến hết thời hạn. Trường hợp hết thời hạn đã thỏa thuận, khách hàng không đến lĩnh tiền gửi, tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất tiền gửi theo quy định tại Thông tư 46/2024/TT-NHNN.
Xem chi tiết nội dung tại Thông tư 46/2024/TT-NHNN từ ngày 20/11/2024.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |