Nhiều chính sách nổi bật có hiệu lực từ cuối tháng 03/2023 (từ ngày 21 - 31/3/2023), đơn cử như: Điều chỉnh tiêu chí lựa chọn đơn vị, đầu mối, chủ đề kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước; Nhiệm vụ, quyền hạn thành viên Hội đồng quản lý ĐVSN công lập lĩnh vực tài chính; Điều chỉnh tên gọi, nguyên tắc quản lý tài chính đối với VCCI…
1. Tiêu chí lựa chọn đơn vị, đầu mối, chủ đề kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước
Kiểm toán Nhà nước ban hành Quyết định 02/2023/QĐ-KTNN ngày 09/02/2023 về Quy định lập, thẩm định và ban hành kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn của Kiểm toán Nhà nước.
Theo đó, quy định 05 tiêu chí lựa chọn đơn vị, đầu mối, chủ đề kiểm toán như sau:
- Đơn vị, đầu mối, chủ đề kiểm toán có mục tiêu, trọng tâm và nội dung kiểm toán phù hợp với định hướng xây dựng kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn của Kiểm toán nhà nước.
- Đơn vị, đầu mối, chủ để kiểm toán được đánh giá có rủi ro tiềm tàng, rủi ro kiểm soát cao.
- Đơn vị, đầu mối, chủ đề kiểm toán đang được Quốc hội, Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương và dư luận xã hội quan tâm.
- Đơn vị, đầu mối, chủ đề kiểm toán liên quan đến công tác thu, quản lý và sử dụng nguồn kinh phí có quy mô lớn so với các đơn vị, chủ đề kiểm toán khác.
- Đơn vị, đầu mối, chủ đề chưa được kiểm toán hoặc có khoảng cách thời gian dài kể từ lần kiểm toán trước hoặc phải kiểm toán thường xuyên, định kỳ theo quy định.
(Bổ sung tiêu chí đơn vị, đầu mối, chủ đề phải kiểm toán thường xuyên, định kỳ theo quy định so với quy định hiện hành.)
Quyết định 02/2023/QĐ-KTNN có hiệu lực thi hành từ ngày 26/3/2023 và thay thế Quyết định 03/2017/QĐ-KTNN.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn thành viên Hội đồng quản lý ĐVSN công lập lĩnh vực tài chính
Thông tư 11/2023/TT-BTC do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành ngày 09/02/2023 hướng dẫn về Hội đồng quản lý và tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tài chính.
Trong đó, quy định nhiệm vụ và quyền hạn của các thành viên Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tài chính như sau:
- Thực hiện nghiêm túc quy định của Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý và của đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện các nhiệm vụ do Chủ tịch Hội đồng quản lý phân công và nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật; tham gia đầy đủ các phiên họp của Hội đồng quản lý, chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình.
- Thảo luận, đóng góp ý kiến trong cuộc họp của Hội đồng quản lý; biểu quyết về nội dung các quyết định của Hội đồng quản lý theo quy định.
- Theo dõi, giám sát việc thực hiện các quyết định của Hội đồng quản lý và có quyền đề xuất những ý kiến về hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.
- Được cung cấp và tiếp cận thông tin, tài liệu phục vụ công tác của Hội đồng quản lý theo quy định; được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật và quy chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định.
Xem thêm tại Thông tư 11/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 31/3/2023.
3. Vị trí, chức năng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 30/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
Theo đó, quy định vị trí, chức năng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như sau:
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về: nông nghiệp; lâm nghiệp; diêm nghiệp; thủy sản; thủy lợi; phòng, chống thiên tai; phát triển nông thôn; chất lượng, an toàn thực phẩm đối với nông sản, lâm sản, thủy sản và muối; các dịch vụ công thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn theo quy định của pháp luật.
(Bỏ chức năng thực hiện theo phân công hoặc uỷ quyền của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh so với quy định tại Thông tư liên tịch 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV hiện hành.)
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (sau đây viết tắt là Sở) có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng, chịu sự chỉ đạo, quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thông tư 30/2022/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 31/3/2023 và thay thế Thông tư liên tịch 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV.
4. Điều chỉnh tên gọi, nguyên tắc quản lý tài chính đối với VCCI
Đây là nội dung tại Thông tư 10/2023/TT-BTC ngày 08/02/2023 sửa đổi Thông tư 133/2015/TT-BTC hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.
Cụ thể, từ ngày 27/3/2023, thay đổi tên gọi VCCI - “Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam” thành “Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam”.
Đồng thời, điều chỉnh nguyên tắc quản lý tài chính đối với VCCI như sau:
- VCCI hoạt động theo chế độ tự chủ về tài chính và được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí theo quy định tại Quyết định 71/2011/QĐ-TTg ngày 20/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước đối với các hội có tính đặc thù.
- Quản lý tài chính đối với VCCI được phân định và hạch toán rõ theo hai loại hoạt động:
+ Các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư để thực hiện chủ trương mở rộng và phát triển kinh tế của đất nước; các hoạt động theo nhiệm vụ được Nhà nước giao; các hoạt động triển khai các chương trình, dự án, đề tài theo kế hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động xúc tiến theo kế hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao.
+ Các hoạt động kinh doanh, dịch vụ: VCCI phải tự đảm bảo kinh phí và tuân thủ các quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh, dịch vụ.
- Ban Thường trực VCCI có trách nhiệm xây dựng và ban hành Quy chế quản lý tài chính của VCCI (trong đó có quy chế chi tiêu nội bộ) căn cứ quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan.
(Bổ sung quy định có quy chế chi tiêu nội bộ trong Quy chế quản lý tài chính của VCCI so với quy định hiện hành.)
Thông tư 10/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 27/3/2023.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |