Đại biểu Quốc hội chất vấn không quá 01 phút tại phiên họp toàn thể; 05 trường hợp thu hồi giấy phép tài nguyên nước;... là những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ giữa 03/2023 (từ ngày 10 – 20/03/2023)
1. Đại biểu Quốc hội chất vấn không quá 01 phút tại phiên họp toàn thể
Ngày 15/11/2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết 71/2022/QH15 ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Theo đó, thời gian mỗi lần chất vấn của Đại biểu Quốc hội tại phiên họp toàn thể được quy định như sau:
- Đại biểu Quốc hội nêu chất vấn không quá 01 phút;
(Tại Nghị quyết 102/2015/QH13 thì đại biểu Quốc hội nêu chất vấn không quá 02 phút).
- Người bị chất vấn trả lời chất vấn không quá 03 phút đối với mỗi câu hỏi;
(Hiện hành, người bị chất vấn trả lời chất vấn của một đại biểu không quá 05 phút).
Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp quyết định việc kéo dài thời gian nêu chất vấn, trả lời chất vấn.
Ngoài ra, đại biểu Quốc hội được quyền tranh luận với người bị chất vấn để làm rõ hơn vấn đề đang được chất vấn: thời gian mỗi lần tranh luận không quá 02 phút.
Tuy nhiên, không được sử dụng quyền tranh luận để nêu câu hỏi chất vấn hoặc tranh luận với đại biểu Quốc hội đã chất vấn trước đó.
Nghị quyết 71/2022/QH15 có hiệu lực kể từ ngày 15/3/2023 và thay thế Nghị quyết 102/2015/QH13.
2. 05 trường hợp thu hồi giấy phép tài nguyên nước
Chính phủ ban hành Nghị định 02/2023/NĐ-CP ngày 01/02/2023 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.
Cụ thể, việc thu hồi giấy phép tài nguyên nước được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
(1) Chủ giấy phép bị phát hiện giả mạo tài liệu, kê khai không trung thực các nội dung trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoặc sửa chữa làm sai lệch nội dung của giấy phép;
(2) Tổ chức là chủ giấy phép bị giải thể hoặc bị tòa án tuyên bố phá sản; cá nhân là chủ giấy phép bị chết, bị tòa án tuyên bố là đã chết, bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị tuyên bố mất tích;
(3) Chủ giấy phép vi phạm quyết định đình chỉ hiệu lực của giấy phép, tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần các quy định của giấy phép;
(4) Giấy phép được cấp không đúng thẩm quyền;
(5) Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi giấy phép vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
(So với hiện hành thì Nghị định 02/2023/NĐ-CP không còn quy định giấy phép đã được cấp nhưng chủ giấy phép không thực hiện nghĩa vụ tài chính và nhận giấy phép thuộc trường hợp thu hồi)
Xem thêm Nghị định 02/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/3/2023 và bãi bỏ Nghị định 201/2013/NĐ-CP.
3. Các hình thức tiếp nhận tiền công đức, tài trợ
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 04/2023/TT-BTC ngày 19/01/2023 hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.
Theo đó, việc tiếp nhận tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội có thể thông qua các hình thức sau đây:
(1) Tiếp nhận bằng phương thức chuyển khoản, thanh toán điện tử
Mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.
(2) Tiếp nhận tiền mặt: Cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận.
Đối với tiền trong hòm công đức (nếu có), định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần thực hiện kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận.
Đối với các khoản tiền đặt không đúng nơi quy định, không phù hợp với việc thực hiện nếp sống văn minh tại di tích được thu gom để kiểm đếm hoặc bỏ vào hòm công đức để kiểm đếm chung.
Đối với số tiền mặt tạm thời chưa sử dụng thì gửi vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để bảo đảm việc quản lý an toàn, minh bạch các khoản công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đã tiếp nhận.
(3) Tiếp nhận giấy tờ có giá: Mở sổ ghi tên giấy tờ có giá, số tiền ghi trên giấy tờ có giá, tổ chức phát hành.
(4) Tiếp nhận kim khí quý, đá quý: Mở sổ ghi tên kim khí quý, đá quý và giá trị tương ứng theo tài liệu do tổ chức, cá nhân hiến, tặng cho cung cấp.
Xem thêm nội dung tại Thông tư 04/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 19/3/2023.
4. Căn cứ bổ nhiệm cán bộ ngành thi hành án quân đội
Thông tư 10/2023/TT-BQP sửa đổi một số điều của Thông tư 19/2018/TT-BQP quy định về chức danh cán bộ Ngành Thi hành án Quân đội do Bộ Quốc phòng ban hành ngày 30/01/2023.
Cụ thể, các căn cứ bổ nhiệm cán bộ ngành thi hành án quân đội thông qua thi tuyển bao gồm:
- Căn cứ nhu cầu, tổ chức biên chế và quy định tại khoản 5 Điều 18 Luật Thi hành án dân sự; Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng cử sĩ quan tại ngũ có đủ tiêu chuẩn tham gia kỳ thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp; cử Chấp hành viên sơ cấp tham gia kỳ thi tuyển, thi nâng ngạch Chấp hành viên trung cấp; cử Chấp hành viên trung cấp tham gia kỳ thi tuyển, thi nâng ngạch Chấp hành viên cao cấp do Bộ Tư pháp tổ chức;
- Căn cứ kết quả trúng tuyển kỳ thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp; kỳ thi tuyển, thi nâng ngạch Chấp hành viên trung cấp và Chấp hành viên cao cấp do Bộ Tư pháp tổ chức; Phòng Thi hành án cấp quân khu thực hiện quy trình đề nghị bổ nhiệm vào các ngạch Chấp hành viên theo Quy chế công tác cán bộ trong Quân đội nhân dân Việt Nam và quy định của Bộ Tư pháp.
(Hiện hành thì việc bổ nhiệm thông qua thi tuyển được dựa vào căn cứ nhu cầu biên chế và kết quả trúng tuyển kỳ thi của thí sinh, Phòng Thi hành án cấp quân khu thực hiện quy trình đề nghị bổ nhiệm theo Quy chế công tác cán bộ trong Quân đội nhân dân Việt Nam.)
Thông tư 10/2023/TT-BQP có hiệu lực thi hành từ ngày 16/3/2023.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |