Dự thảo Nghị định quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức đang được Bộ Nội vụ đưa ra lấy ý kiến đóng góp và dự kiến sẽ có hiệu lực trong năm 2020.
- Quy định hướng dẫn thực hiện xét nâng ngạch đối với công chức
- Bổ sung thêm hình thức thi vòng 2 kỳ thi tuyển công chức
Ảnh minh họa
Theo đó, Dự thảo Nghị định này đã cụ thể hóa các quy định về thi nâng ngạch, xét nâng ngạch đối với công chức đã được quy định trước đó tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức 2019. Cụ thể, theo Dự thảo này, công chức được đăng ký dự thi nâng ngạch khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
- Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi nâng ngạch; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật quy định tại Điều 82 Luật cán bộ, công chức;
- Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch công chức cao hơn ngạch công chức hiện giữ trong cùng ngành chuyên môn;
- Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ và yêu cầu khác về tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch công chức đăng ký dự thi. Trường hợp có bằng tốt nghiệp tại cơ sở giáo dục chuyên nghiệp hoặc cơ sở giáo dục đại học đã thực hiện chương trình đào tạo chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, tin học mà tương ứng với yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học quy định tại tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của ngạch công chức theo yêu cầu của vị trí việc làm dự nâng ngạch thì không yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học;
- Đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu đối với từng ngạch công chức quy định tại tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch công chức;
- Phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) giữ ngạch dưới liền kề với ngạch đăng ký dự thi tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi nâng ngạch.
Cũng theo Dự thảo này, công chức đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện nêu trên (ngoại trừ điều kiện cuối cùng) thì được xét nâng ngạch trong các trường hợp sau:
- Có thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ trong thời gian giữ ngạch công chức hiện giữ, được cấp có thẩm quyền công nhận;
- Được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gắn với yêu cầu của vị trí việc làm.
Trong đó, thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ được quy định như sau:
- Được khen thưởng từ Huân chương Lao động hạng Ba trở lên hoặc danh hiệu chiến sĩ thi đua tòa quốc (áp dụng đối với xét nâng ngạch từ ngạch chuyên viên lên ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương trở lên);
- Đạt danh hiệu từ Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương trở lên (áp dụng đối với xét nâng ngạch từ ngạch nhân viên lên cán sự hoặc tương đương; từ ngạch cán sự lên chuyên viên hoặc tương đương).
Như vây, có thể thấy, Dự thảo Nghị định này đã quy định chi tiết điều kiện, tiêu chuẩn dự thi/xét nâng ngạch công chức đã được quy định trước đó tại Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức sửa đổi 2019, đồng thời hướng dẫn cụ thể về các trường hợp công chức được xét nâng ngạch, trường hợp được xem là có thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ để xét nâng ngạch,….
Dự thảo Nghị định này dự kiến có hiệu lực trong năm 2020, bãi bỏ Nghị định 24/2010/NĐ-CP, Nghị định 93/2010/NĐ-CP, Nghị định 161/2018/NĐ-CP và Quyết định 27/2003/QĐ-TTg.
Xem chi tiết nội dung của Dự thảo TẠI ĐÂY.
Nguyễn Trinh