WHO kêu gọi nước giàu dư thừa vắc xin COVID-19 chia sẻ cho nước nghèo

24/04/2021 06:54

Theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom, trong hơn 900 triệu liều vắc xin COVID-19 đã được sử dụng trên toàn thế giới hiện nay, chỉ có 0,3% là ở các nước thu nhập thấp - con số mà Tổng thống Pháp Macron mô tả là "không chấp nhận được".

WHO kêu gọi nước giàu dư thừa vắc xin COVID-19 chia sẻ cho nước nghèo - Ảnh 1.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom - Ảnh: REUTERS

Những lời kêu gọi được ông Tedros đưa ra trong lễ kỷ niệm 1 năm thành lập cơ chế chia sẻ vắc xin COVAX ngày 23-4. Do đại dịch COVID-19, buổi lễ diễn ra theo hình thức trực tuyến, theo Hãng tin Reuters.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen và một số lãnh đạo quốc gia khác đã gửi bài phát biểu nhân sự kiện.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng vẫn còn tình trạng bất bình đẳng về quyền tiếp cận vắc xin ngừa COVID-19. Ông tiếp tục nêu quan điểm các nước giàu nên có trách nhiệm chia sẻ với nước nghèo hơn vì chỉ có như vậy đại dịch mới sớm kết thúc.

COVAX, sáng kiến của WHO và liên minh GAVI, đã chuyển được 40,5 triệu liều vắc xin các loại đến 118 quốc gia cho đến nay, đặt mục tiêu sẽ cung cấp 2 tỉ liều vắc xin giá phải chăng đến cuối năm 2021.

Để làm được điều này, vấn đề quan trọng đầu tiên là chi phí. Theo ông Tedros, chương trình Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó dịch COVID-19 (ACT-A) của WHO đang cần ít nhất 19 tỉ USD cho năm 2021.

"Con số này chỉ là một giọt nước trong đại dương hàng ngàn tỉ USD mà các chính phủ đang dùng để kích thích nền kinh tế hay doanh thu khổng lồ của các nhà sản xuất vắc xin", tổng giám đốc WHO lập luận.

Theo Reuters, đây không phải là lần đầu tiên ông Tedros kêu gọi trách nhiệm của các nước giàu. Người đứng đầu WHO đã nhiều lần chỉ trích việc phân phối vắc xin bất công và kêu gọi các nước giàu hơn chia sẻ vắc xin dư thừa để tiêm chủng cho các nhân viên y tế ở nước nghèo.

Trong thông điệp gởi tới sự kiện của WHO, Tổng thống Pháp Macron cũng nêu ra thực trạng đáng lo ngại trên.

Theo ông Macron, cứ 6 người châu Âu thì có 1 người đã được tiêm vắc xin, tỉ lệ này cao hơn một chút ở Bắc Mỹ là 1/5 người. Song tại châu Phi, nơi có nhiều nước thu nhập thấp của thế giới, trong 100 người mới có 1 người được tiêm vắc xin COVID-19.

"Điều đó không thể chấp nhận được" - ông Macron nêu bức xúc, đồng thời cam kết sẽ đóng góp cho COVAX 500.000 liều vắc xin trong những tháng tới. Tổng thống Pháp cũng kêu gọi những nước giàu trên thế giới làm theo.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa thì đưa ra kêu gọi mạnh mẽ hơn trong sự kiện. Theo ông, các công ty dược phẩm nên chuyển giao công nghệ vắc xin mRNA cho các nước thu nhập thấp và trung bình mà "không có rào cản về sở hữu trí tuệ".

"Chúng ta phải cùng nhau thách thức chủ nghĩa dân tộc vắc xin và đảm bảo rằng việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không đồng nghĩa với việc phải trả giá bằng tính mạng con người", ông Ramaphosa lập luận.

BẢO DUY



Tin tức liên quan

  • Thế giới cần vắc xin để dập biến chủng Delta
  • 22/06/2021 07:47
  • Tính đến tháng 6-2021, biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19 đã xuất hiện ở khoảng 80 quốc gia và lây lan với tốc độ báo động. Biến chủng này đang đe dọa những người chưa tiêm vắc xin.

  • Háo hức đi tiêm vắc xin
  • 23/06/2021 08:21
  • TP.HCM đang tăng tốc tiêm vắc xin COVID-19 tại cộng đồng cho người dân thuộc đối tượng ưu tiên. Nhiều người rất hứng khởi khi được tiêm vắc xin COVID-19.

  • Ấn Độ tiêm 7,8 triệu liều vắc xin trong một ngày
  • 22/06/2021 14:01
  • Lần đầu tiên trong 3 tháng qua, số ca nhiễm mới ở Ấn Độ dưới mức 50.000. Số ca tử vong cũng thấp nhất trong vòng 68 ngày và là ngày thứ 5 liên tiếp dưới 2.000 ca. Số người đi tiêm vắc xin cũng tăng kỷ lục hôm 21-6.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn
TÌNH HUỐNG HOT TRONG NGÀY