Tuần vừa qua, Thư Ký Luật đã cập nhật được các chính sách nổi bật về giáo dục, bảo hiểm xã hội, khiếu nại - tố cáo...sau đây là các thông tin cụ thể.
1. Áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo trong trường hợp khẩn cấp
Ngày 10/4/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 31/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo.
Theo đó, trong trường hợp khẩn cấp, người giải quyết tố cáo đề nghị hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ cho người tố cáo ngay lập tức, sau đó gửi văn bản đến cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ.
Nếu không thuộc trường khẩn cấp thì người giải quyết tố cáo phải xem xét, đánh giá căn cứ, tính xác thực của đề nghị bảo vệ và quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ theo thẩm quyền quy định tại Điều 52 Luật Tố cáo.
Nội dung chi tiết xem tại Nghị định 31/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 28/5/2019.
2. Ban hành Quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên.
Theo đó, Quy tắc này áp dụng đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người học, cha mẹ người học trong các cơ sở giáo dục, gồm:
Nhà trẻ, nhóm trẻ độc lập, trường, lớp mẫu giáo độc lập, trường mầm non;
Trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông nhiều cấp học, trường chuyên, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học, trường năng khiếu dành cho người khuyết tật;
Cở sở giáo dục thường xuyên.
Xem chi tiết Quy tắc ứng xử tại Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 28/5/2019.
3. Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau của người lao động
Quyết định 166/QĐ-BHXH do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành về quy trình giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, chi trả các chế độ BHXH, BHTN.
Theo đó, trường hợp điều trị nội trú thì hồ sơ hưởng chế độ ốm đau của người lao động bao gồm:
Bản sao giấy ra viện của người lao động hoặc con của người lao động dưới 7 tuổi. Nếu người bệnh tử vong tại bệnh viện thì thay bằng Giấy báo tử, trường hợp Giấy báo tử không thể hiện ngày vào viện thì có thêm giấy tờ của bệnh viện thể hiện ngày vào viện;
Bản sao giấy chuyển tuyến trong trường hợp chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh.
Trường hợp điều trị ngoại trú thì cần bản chính Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Nếu cả cha và mẹ đều nghỉ việc chăm con thì Giấy chứng nhận nghỉ việc của một trong hai người là bản sao.
Các hồ sơ nêu trên được thay bằng bản sao của bản dịch tiếng Việt trong trường hợp người lao động hoặc con của người lao động khám chữa bệnh ở nước ngoài.
Nội dung chi tiết xem tại Quyết định 166/QĐ-BHXH có hiệu lực từ ngày 01/5/2019.
4. Tốt nghiệp cấp 2 có thể được học liên thông lên cao đẳng
Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Thông tư 07/2019/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 05/2017/TT-BLĐTBXH quy định quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng.
Theo đó, Thông này sửa đổi bổ sung các đối tượng được tuyển sinh trình độ cao đẳng, bao gồm:
Học sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương;
Người có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp và có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc đã học và thi đạt yêu cầu các môn văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở nhưng có nguyện vọng học liên thông lên trình độ cao đẳng phải học và thi đạt yêu cầu các môn văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp.
Xem thêm tại Thông tư 07/2019/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 22/4/2019.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |