Hội đồng trọng tài lao động được quy định là một trong những cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động. Phán quyết của Hội đồng trọng tài lao động có giá trị bắt buộc thực hiện đối với các bên. Vậy Hội đồng trọng tài có thẩm quyền giải quyết các loại tranh chấp lao động nào?
- Thẩm quyền của Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
- Quy định về thành lập Hội đồng trọng tài lao động
- Khi nào thì tranh chấp lao động được kiện thẳng ra Tòa không cần hòa giải?
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động của Hội đồng trọng tài lao động (Ảnh minh họa)
1. Giải quyết tranh chấp lao động tập thể
Điều 191, Điều 195 Bộ luật Lao động 2019 quy định Hội đồng trọng tài lao động là cơ quan có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp lao động tập thể về quyền và lợi ích của các bên trong quan hệ lao động. Theo đó, trên cơ sở đồng thuận, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp lao động trong trường hợp hòa giải không thành hoặc hết thời hạn theo quy định mà hòa giải viên không tiến hành hòa giải hoặc một trong các bên không thực hiện thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành.
Trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu, Hội đồng trọng tài lao động thành lập Ban trọng tài để giải quyết tranh chấp lao động đó. Trong đó:
-
Đại diện mỗi bên tranh chấp chọn 01 trọng tài viên trong số danh sách trọng tài viên lao động;
-
Trọng tài viên lao động do các bên lựa chọn thống nhất lựa chọn 01 trọng tài viên lao động khác làm Trưởng Ban trọng tài lao động;
-
Trường hợp các bên tranh chấp cùng lựa chọn một trọng tài viên để giải quyết tranh chấp lao động thì Ban trọng tài lao động chỉ gồm 01 trọng tài viên lao động đã được lựa chọn.
Trong vòng 30 ngày kể từ ngày được thành lập, Ban trọng tài phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp. Trường hợp tranh chấp lao động tập thể về quyền thuộc là tranh chấp do có sự khác nhau trong việc hiểu và thực hiện quy định của pháp luật về lao động hoặc người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử đối với người lao động, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động vì lý do thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động; can thiệp, thao túng tổ chức đại diện người lao động; vi phạm nghĩa vụ về thương lượng thiện chí mà Ban trọng tài xác định có hành vi vi phạm pháp luật thì Ban trọng tài không ra quyết định giải quyết mà lập biên bản vi phạm và chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong thời gian Hội đồng trọng tài lao động đang tiến hành giải quyết tranh chấp các bên phải tuân thủ quy định sau:
-
Đối với tranh chấp về quyền: Các bên không được đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp trên;
-
Đối với tranh chấp về lợi ích: Tổ chức đại diện người lao động không được tiến hành đình công.
2. Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.
Một trong những điểm mới của Bộ luật Lao động 2019 đó là tranh chấp lao động cá nhân ngoài việc được giải quyết bởi hòa giải viên hoặc Tòa án, nay các bên trong tranh chấp còn có thể đưa vụ việc đến Hội đồng trọng tài lao động để được giải quyết.
Cụ thể, Điều 188 Bộ luật Lao động 2019 quy định, trường hợp tranh chấp lao động cá nhân không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải; hoặc hết thời hạn hòa giải quy định mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải; hoặc trường hợp hòa giải không thành theo quy định, các bên tranh chấp có quyền lựa chọn phương thức yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp. Khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp, các bên không được đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp hết thời hạn quy định mà Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc hết thời hạn quy định mà Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp.
Phán quyết của Ban trọng tài lao động có tính bắt buộc thực hiện đối với các bên. Trường hợp một trong các bên không thi hành quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Như vậy, từ năm 2021, ngoài phương thức giải quyết tranh chấp lao động cá nhân tại Tòa án đối với những tranh chấp không hòa giải được, các bên có thể lựa chọn thêm phương thức giải quyết tranh chấp bằng Hội đồng trọng tài. Việc này góp phần rút ngắn thời gian giải quyết cho các bên trong tranh chấp (30 ngày so với 02 tháng đối với giải quyết vụ án lao động theo thủ tục thông thường tại Tòa án) mà khônng mất nhiều chi phí.
- Từ khóa:
- Bộ luật Lao động 2019