Từ ngày 01/01/2021, khi Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực, quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động đã được quy định theo hướng có lợi cho họ.
Năm 2021, những trường hợp nào người lao động có thể tự nghỉ việc? (Ảnh minh họa)
Cụ thể, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động và người sử dụng lao động được quy định tại Điều 35 Bộ luật Lao động 2019. Theo đó, người lao động có quyền "tự nghỉ việc" mà không cần báo trước trong các trường hợp sau đây:
-
Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh được quy định trong nội quy lao động;
-
Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp nhưng không khắc phục được, dẫn tới việc chậm trả lương;
-
Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
-
Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
-
Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc (phải có xác nhận từ cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền rằng nếu tiếp tục làm việc sẽ gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi);
-
Đủ tuổi nghỉ hưu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
-
Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động. Các thông tin đó bao gồm: Thông tin về công việc, địa điểm làm việc, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động, tiền lương, hình thức trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người lao động yêu cầu.
Những trường hợp khác thì trước khi nghỉ việc người lao động phải báo trước cho người sử dụng lao động trong một khoảng thời gian nhất định, cụ thể:
-
Từ 45 ngày trở lên nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
-
Từ 30 ngày trở lên nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
-
Từ 03 ngày làm việc trở lên nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng.
Lưu ý: Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, khác với quy định của pháp luật lao động hiện hành, Bộ luật Lao động 2019 cho phép người lao động tự chấm dứt hợp đồng lao động (kể cả là hợp đồng không thời hạn hay có thời hạn) mà không cần báo trước, không cần bồi thường nếu bản thân họ bị xâm phạm bởi các hành vi gây tổn thương đến quyền lợi, thể chất và tinh thần (như đã được liệt kê phía trên). Bên cạnh đó, quy định mới còn nới lỏng việc đơn phương chấm dứt hợp đồng của người lao động, cho phép họ tự nghỉ việc mà không cần lý do nếu thông báo trước cho người sử dụng lao động biết theo thời hạn quy định đối với từng loại hợp đồng lao động.
Xem thêm chi tiết tại: Bộ luật Lao động 2019, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
- Từ khóa:
- Bộ luật Lao động 2019