Những điểm đáng chú ý về cho thuê lại lao động theo Bộ luật lao động 2019

Cho thuê lại lao động là gì? Bộ luật lao động 2019 quy định thế nào về hoạt động này? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp các vấn đề trên.

cho thuê lại lao động, Bộ luật Lao động 2019

Những điểm đáng chú ý về cho thuê lại lao động theo BLLĐ 2019 (ảnh minh họa)

1. Cho thuê lại lao động là gì?

Theo quy định của pháp luật lao động "Cho thuê lại lao động" là việc người lao động giao kết hợp đồng lao động với một người sử dụng lao động là doanh nghiệp cho thuê lại lao động, sau đó người lao động được chuyển sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác mà vẫn duy trì quan hệ lao động với người sử dụng lao động đã giao kết hợp đồng lao động.

2. Nguyên tắc hoạt động cho thuê lại lao động

Mặc dù tiếp nối tinh thần của Bộ luật lao động 2012 nhưng nhà lập pháp đã dần hoàn thiện chế định về cho thuê lao động để quan hệ này chặt chẽ hơn. Xuất phát từ tính chất phức tạp của quan hệ lao động, quan hệ cho thuê lại lao động thêm phức tạp hơn khi người lao động được chuyển sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác mà vẫn duy trì quan hệ lao động với người sử dụng lao động đã giao kết hợp đồng lao động ban đầu. Do đó, nguyên tắc hoạt động cho thuê lại lao động được quy định tại Bộ luật Lao động 2019 như sau:

Thứ nhất, thời hạn cho thuê lại lao động đối với người lao động tối đa là 12 tháng.

Thứ hai, bên thuê lại lao động được sử dụng lao động thuê lại trong trường hợp sau đây:

  • Đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột ngột về nhu cầu sử dụng lao động trong khoảng thời gian nhất định;

  • Thay thế người lao động trong thời gian nghỉ thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc phải thực hiện các nghĩa vụ công dân;

  • Có nhu cầu sử dụng lao động trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao.

Thứ ba, bên thuê lại lao động không được sử dụng lao động thuê lại trong trường hợp sau đây:

  • Để thay thế người lao động đang trong thời gian thực hiện quyền đình công, giải quyết tranh chấp lao động;

  • Không có thỏa thuận cụ thể về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động thuê lại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động;

  • Thay thế người lao động bị cho thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ, vì lý do kinh tế hoặc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập.

Cuối cùng, bên thuê lại lao động không được chuyển người lao động thuê lại cho người sử dụng lao động khác; không được sử dụng người lao động thuê lại được cung cấp bởi doanh nghiệp không có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động.

3. Điều kiện để Doanh nghiệp thực hiện hoạt động cho thuê lại lao động

Theo quy định của pháp luật hoạt động cho thuê lại lao động là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, chỉ được thực hiện bởi các doanh nghiệp có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động và áp dụng đối với một số công việc nhất định. Ngoài ra, Doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải ký quỹ và được cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động.

Lưu ý, Chính phủ quy định việc ký quỹ, điều kiện, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động và danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động.

4. Hợp đồng cho thuê lại lao động

Bộ luật Lao động 2019 quy định Doanh nghiệp cho thuê lại lao động và bên thuê lại lao động phải ký kết hợp đồng cho thuê lại lao động bằng văn bản và được làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.

Nội dung chủ yếu của hợp đồng cho thuê lại lao động bao gồm:

  • Địa điểm làm việc, vị trí việc làm cần sử dụng lao động thuê lại, nội dung cụ thể của công việc, yêu cầu cụ thể đối với người lao động thuê lại;

  • Thời hạn thuê lại lao động; thời gian bắt đầu làm việc của người lao động thuê lại;

  • Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, điều kiện an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc;

  • Trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

  • Nghĩa vụ của mỗi bên đối với người lao động.

Nhìn chung các điều khoản chủ yếu được quy định trong hợp đồng cho thuê lại lao động đều được kế thừa từ Bộ luật Lao động 2012. Tuy nhiên, điều khoản về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã được thêm vào nhằm gia tăng trách nhiệm cho bên thuê lại lao động đối với người lao động làm việc trực tiếp với họ. Điều này sẽ góp phần bảo vệ quyền lợi cho người lao động khi làm việc trong môi trường khắc nghiệt có ảnh hưởng đến sức khỏe.

Cơ sở pháp lý

Bộ luật Lao động 2019 

Bộ luật Lao động 2012.

Long Bình

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
2812 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;