Ngày 20/11/2019, Quốc hội đã chính thức ký ban hành Bộ luật Lao động 2019, thay thế Bộ luật Lao động 2012. Bộ luật Lao động 2019 sẽ có hiệu lực từ 01/01/2021, sẽ có nhiều thay đổi quan trọng ảnh hưởng trực tiếp theo hướng có lợi cho người lao động, trong đó điển hình là hợp đồng cho thuê lại lao động cũng sẽ có sự thay đổi.
Hợp đồng cho thuê lại lao động bắt buộc phải có nội dung này kể từ 2021 (Hình minh họa)
Theo Khoản 1 Điều 55 Bộ luật Lao động 2019 quy định: “Doanh nghiệp cho thuê lại lao động và bên thuê lại lao động phải ký kết hợp đồng cho thuê lại lao động bằng văn bản và được làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.” Trong đó, hợp đồng cho thuê lại lao động phải gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
-
Địa điểm làm việc, vị trí việc làm cần sử dụng lao động thuê lại, nội dung cụ thể của công việc, yêu cầu cụ thể đối với người lao động thuê lại;
-
Thời hạn thuê lại lao động; thời gian bắt đầu làm việc của người lao động thuê lại;
-
Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, điều kiện an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc;
-
Trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; (Đây là nội dung mới theo BLLĐ 2019, theo quy định tại Bộ luật Lao động 2012 không yêu cầu phải có nội dung này).
-
Nghĩa vụ của mỗi bên đối với người lao động.
Tuy nhiên, tại Khoản 2 Điều 21 Nghị định 29/2019/NĐ-CP cũng có quy định doanh nghiệp cho thuê không thỏa thuận cụ thể về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động thuê lại với bên thuê lại lao động thì sẽ không được cho thuê lại lao động.
Vậy trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cũng đã được nhắc tới nhưng tại NĐ 29 chỉ quy định là thỏa thuận chứ không bắt buộc phải nêu trong hợp đồng cho thuê lại lao động, vẫn có thể xảy ra tranh chấp khi không được quy định rõ ràng như trong Hợp động cho thuê lại lao động như BLLĐ 2019.
Khi Bộ luật Lao động 2019 được ban hành đã có bước tiến mới, quy định rõ trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải được nêu trong Hợp đồng cho thuê lại lao động, để khi người lao động có xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì còn biết trách nhiệm thuộc về doanh nghiệp cho thuê lại lao động hay bên thuê lại lao động để mà liên hệ, đòi quyền lợi, giải quyết khi có phát sinh tranh chấp.
Bên cạnh đó, Bộ luật Lao động 2019 còn ban hành nguyên tắc hoạt động cho thuê lại lao động mà trước đây Bộ luật Lao động 2012 không đề cập đến, cụ thể như sau:
Một là, thời hạn cho thuê lại lao động đối với người lao động tối đa là 12 tháng.
Hai là, bên thuê lại lao động được sử dụng lao động thuê lại trong trường hợp sau đây:
- Đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột ngột về nhu cầu sử dụng lao động trong khoảng thời gian nhất định;
- Thay thế người lao động trong thời gian nghỉ thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc phải thực hiện các nghĩa vụ công dân;
- Có nhu cầu sử dụng lao động trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao.
Ba là, bên thuê lại lao động không được sử dụng lao động thuê lại trong trường hợp sau đây:
- Để thay thế người lao động đang trong thời gian thực hiện quyền đình công, giải quyết tranh chấp lao động;
- Không có thỏa thuận cụ thể về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động thuê lại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động;
- Thay thế người lao động bị cho thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ, vì lý do kinh tế hoặc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập.
Cuối cùng, bên thuê lại lao động không được chuyển người lao động thuê lại cho người sử dụng lao động khác; không được sử dụng người lao động thuê lại được cung cấp bởi doanh nghiệp không có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động.
Các quy định này cũng được nằm rải rác tại một số văn bản hướng dẫn của BLLĐ 2012, tuy nhiên BLLĐ 2019 đã tổng hợp, quy định rõ thành nguyên tắc hoạt động cho thuê lại lao động, điều mà BLLĐ 2012 chưa làm được, có thể thấy BLLĐ 2019 đã quy định chi tiết từng vấn đề nhằm bớt phải ban hành các văn bản dưới luật để hướng dẫn chi tiết, giảm được rất nhiều chi phí cho quốc gia.
Lê Hải
- Từ khóa:
- Bộ luật Lao động 2019