Đình công là quyền lợi của người lao động và được BLLĐ 2019 thừa nhận. Tuy nhiên, NLĐ muốn đình công phải tuân thủ quy định của pháp luật. Nếu cuộc đình công của NLĐ thuộc một trong 05 trường hợp sau sẽ bị coi là đình công trái luật, NLĐ cần lưu ý.
6 trường hợp được xem là đình công trái luật, NLĐ cần lưu ý (BLLĐ 2019)
Theo đó, tại Điều 198 Bộ Luật lao động 2019 quy định:
Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của người lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động và do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo.
Theo quy định của pháp luật lao động, đình công hợp pháp phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
-
Khi xảy ra tranh chấp lao động tập thể về lợi ích;
-
Do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo;
-
Hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải;
-
Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động.
Cụ thể, tại Điều 204 Bộ Luật lao động 2019, có 6 trường hợp bị coi là đình công bất hợp pháp tức trái luật, bao gồm:
-
Không thuộc trường hợp được đình công theo quy định tại Điều 199 của Bộ Luật lao động 2019.
-
Không do tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công.
-
Vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục tiến hành đình công theo quy định của Bộ Luật lao động 2019.
-
Khi tranh chấp lao động tập thể đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Bộ Luật lao động 2019.
-
Tiến hành đình công trong trường hợp không được đình công quy định tại Điều 209 của Bộ Luật lao động 2019 .
-
Khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 210 của Bộ Luật lao động 2019 .
Về các trường hợp đình công trái luật, Bộ Luật lao động 2019 đã bổ sung 02 trường hợp mới cũng được xem là đình công trái luật như sau:
-
Không do tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công;
-
Vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục tiến hành đình công theo quy định của Bộ Luật lao động 2019 .
Đây là điểm mới của Bộ Luật lao động 2019 về những trường hợp được xem là đình công trái luật. Theo đó, điều kiện để một cuộc đình công được xem là hợp pháp phải do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo. Trường hợp không đáp ứng điều kiện này được xem là đình công trái luật. Bên cạnh đó, nếu cuộc đình công được tiến hành mà không tuân thủ quy định về trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ Luật lao động 2019 cũng bị xem là đình công trái luật.
Hệ quả của việc đình công trái luật là gì?
Trên thực tế, các cuộc đình công của người lao động đa phần diễn ra một cách bộc phát, do vậy phần lớn các cuộc đình công này đều trái luật, chủ yếu là không tuân thủ đúng quy định về trình tự, thủ tục tiến hành đình công.
Theo đó, khi đã có quyết định của Tòa án về cuộc đình công là bất hợp pháp thì người lao động đang tham gia đình công phải ngừng ngay đình công và trở lại làm việc.
Nếu người lao động không ngừng đình công, không trở lại làm việc thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
Trong trường hợp đình công trái luật mà gây thiệt hại cho người sử dụng lao động thì tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Người lợi dụng đình công gây mất trật tự, an toàn công cộng, làm tổn hại máy, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động; người có hành vi cản trở thực hiện quyền đình công, kích động, lôi kéo, ép buộc người lao động đình công; người có hành vi trù dập, trả thù người tham gia đình công, người lãnh đạo cuộc đình công thì tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Tóm lại, đình công là quyền của người lao động sử dụng khi lợi ích chính đáng của mình bị xâm phạm. Tuy nhiên, khi sử dụng quyền này người lao động phải thật “lý trí”. Bởi lẽ, nếu không “cẩn thận”, không tuân thủ đúng quy định pháp luật thì chẳng những không đòi được quyền lợi, người lao động còn bị xử lý kỷ luật, bồi thường thiệt hại, thậm chí là bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thùy Trâm
- Từ khóa:
- Bộ luật Lao động 2019