Tăng mức phạt gấp 6 lần nếu mang tai nghe khi tham gia giao thông

Hiện nay, không hiếm các trường hợp người điều khiển xe máy sử dụng tai nghe khi tham gia giao thông. Theo đó, Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã quy định đây là hành vi cấm và tăng mức phạt tăng lên gần 6 lần so với trước đây.

mang tai nghe khi tham gia giao thông, Nghị định 100/2019/NĐ-CP

Tăng mức phạt gấp 6 lần nếu mang tai nghe khi tham gia giao thông (Ảnh minh họa)

Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ đầu năm nay (ngày 01/01/2020) đã quy định về hình thức xử phạt đối với hành vi mang tai nghe khi tham gia giao thông tại khoản 4 Điều 6 như sau:

Điều 6. Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

4. Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h;

b) Dừng xe, đỗ xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định;

g) Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông;

h) Người đang điều khiển xe sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính.

So với Nghị định 46/2016/NĐ-CP trước đây, mức phạt của Nghị định 46 chỉ từ 100.000 – 200.000 đồng. Trong khi đó, mức phạt này đã tăng lên thành 600.000 – 1.000.000 đồng ở thời điểm hiện tại. Qua đó có thể thấy, nhằm hạn chế tối đa hành vi sử dụng tai nghe khi đi đường, Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã có quy định khắt khe hơn so với trước.

Tưởng chừng quy định này đã cụ thể, rõ ràng nhưng lại có rất nhiều “lỗ hổng”. 

Thứ nhất, nếu sử dụng tai nghe nhưng không bật nhạc thì có bị phạt không? Tai nghe là một thiết bị âm thanh riêng biệt nhưng lại được liên kết với điện thoại di động. Điểm h khoản 4 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định chỉ cần có hành “sử dụng thiết bị âm thanh” là đã bị phạt, không cần biết thiết bị âm thanh đó đã liên kết với điện thoại di động hay chưa. Nghĩa là, tuy không bật nhạc, nhưng khi đã mang tai nghe thì vẫn là hành vi vi phạm.

Thứ hai, quy định này chỉ áp dụng đối với những ai điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, gắn máy khác. Như vậy, đối với trường hợp mở nhạc trong ô tô thì không có chế tài xử phạt. Mở nhạc dù đi xe máy, hay ô tô thì vẫn ảnh hưởng đến khả năng tập trung khi tham gia giao thông. Thiết nghĩ cần có chế tài phù hợp đối với người điều khiển ô tô khi có hành vi vi phạm. Tại các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), nếu phát nhạc ồn ào trên ô tô sẽ bị phạt 400 đồng Dirham, tương đương khoảng 2.500.000 VNĐ.

Thứ ba, trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ vận tải (Grab, Gojek, Bee), có rất nhiều trường hợp các tài xế sử dụng tai nghe để nhận cuộc gọi, trao đổi với khách hàng hoặc để nghe Google chỉ đường. Mặc dù các tài xế được phép sử dụng thiết bị điện tử để thực hiện công việc nhưng không thể vịn vào đó để tự biện hộ cho mình, vì khi tham gia giao thông, nguy hiểm vẫn luôn rình rập mà không chừa một ai. Do đó, để tránh bị phạt và cũng là đảm bảo an toàn cho chính mình và cho người khác thì khi có nhu cầu, các tài xế nên dừng xe để sử dụng điện thoại. 

Phương Thanh

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1141 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;