Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã thêm vào quy định người đi xe đạp, xe đạp máy, xe đạp điện cũng sẽ bị thổi nồng độ cồn như các loại xe máy và xe ô tô. Vậy nếu người đi xe đạp có hành vi vi phạm nồng độ cồn thì bị xử lý thế nào?
- Tăng mức phạt gấp 6 lần nếu mang tai nghe khi tham gia giao thông
- Cần biết: Phạt đến 200.000 đồng khi đi bộ sai cách
- Không xi nhan khi điều khiển xe máy ra vào vòng xuyến có bị phạt?
Nghị định 100/2019/NĐ-CP: Đi xe đạp vẫn bị thổi nồng độ cồn như thường (Ảnh minh họa)
Sẽ là điều dĩ nhiên nếu như xe máy, xe ô tô và các loại xe tương tự xe máy, xe ô tô khác bị thổi nồng đồ cồn, nhưng việc xử phạt người đi xe đạp (bao gồm xe đạp máy, xe đạp điện) và các loại xe thô sơ khác khi có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép lại là một quy định mới được ghi nhận tại Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019. Theo đó, nồng độ cồn và mức phạt được liệt kê tại bảng sau:
Nồng độ cồn |
Số tiền phạt (đồng) |
Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở |
80.000 – 100.000 |
Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở |
200.000 – 300.000 |
Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở |
400.000 – 600.000 |
Đây chỉ là mức xử phạt hành chính, ngoài ra nếu hành vi vi phạm gây ra hậu quả làm chết người, làm tổn hại sức khỏe người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên, gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với mức phạt tiền lên đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù đến 10 năm theo Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
So với trước kia thì Nghị định 46/2016/NĐ-CP không hề có quy định này. Đây là một quy định mới được bổ sung vào Nghị định 100/2019/NĐ-CP và sau khi Nghị định được ban hành đã xuất hiện nhiều luồng ý kiến trái chiều.
Những ý kiến ủng hộ vấn đề này cho rằng: Đây là sự tiến bộ trong pháp luật giao thông đường bộ vì đã đồng nhất các hành vi vi phạm cho tất cả các loại phương tiện giao thông. Nghị định 46 trước đây đã không làm được điều này vì bỏ lọt hành vi vi phạm đối với người điều khiển xe đạp hoặc xe thô sơ khác. Cho dù là xe máy, xe ô tô hay xe đạp thì hành vi điều khiển xe sau khi uống rượu bia đều có thể gây ra hậu quả, đó có thể là gây thương tích cho chính mình hoặc gây tai nạn cho người khác. Việc xử phạt này là hợp lý vì người dân có thể đổ lỗi cho việc bị ép uống rượu bia, nhưng nếu đã quyết định lái xe sau khi uống đồ uống có cồn thì lại là sự lựa chọn có ý thức và họ sẽ phải chịu trách nhiệm vì lựa chọn này.
Trái ngược lại với quan điểm trên, những ý kiến không ủng hộ lại cho rằng: Ở nông thôn hay ở vùng sâu vùng xa, xe đạp vẫn là phương tiện di chuyển phổ biến. Tập quán uống rượu bia chúc mừng trong các lễ cưới, lễ hỏi, hay trong các cuộc họp làng bản vẫn tồn tại. Mà ở đó thì các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, hay xe ôm, taxi hầu như là không có, hoặc nếu có thì cũng rất ít, vả lại người dân cũng không đủ điều kiện để chi trả. Do đó, theo lẽ thường, họ vẫn tự đi xe đạp dù biết là nguy hiểm. Quy định này tuy rất thiết thực nhưng lại khó thực hiện trên thực tế.
Tóm lại, đây là một quy định đã được luật định và đã có hiệu lực thi hành cụ thể tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Người điều khiển xe đạp cần nắm rõ quy định này và phải tự giác chấp hành để tránh bị phạt cũng như để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho chính mình và cho người khác.
Phương Thanh
- Từ khóa:
- Nghị định 100/2019/NĐ-CP