Trong thời gian vừa qua có nhiều bạn gửi câu hỏi đến Thư Ký Luật và thắc mắc trong trường hợp các bạn bị phạt một lúc rất nhiều lỗi vi phạm thì CSGT sẽ xử phạt như thế nào? Ban biên tập Thư Ký Luật xin giải đáp vấn đề này tại bài viết dưới đây.
Xử phạt vi phạm giao thông trong trường hợp nhiều lỗi
Ban biên tập Thư Ký Luật xin đưa ra một ví dụ dẫn chứng:
Anh A đi xe máy bị CSGT tuýt còi vì lái xe trong tình trạng say xỉn vượt đèn đỏ, CSGT kiểm tra nồng độ cồn với mức 0,7 miligam/1 lít khí thở.
Dẫn chứng trên cho thấy anh A đã vi phạm 02 lỗi:
1/ Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (Điểm e Khoản 8 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). Với lỗi này, anh A có thể bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng, đồng thời tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (Điểm g Khoản 10 Điều 6).
2/ Vượt đèn đỏ (Điểm e, khoản 4, Điều 6 Nghị định 100). Với lỗi này, anh A có thể bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng, ngoài ra sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng (Điểm b Khoản 10 Điều 6).
Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 4 Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012:
Điều 23. Phạt tiền
...
4. Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.
Như vậy, với mỗi một hành vi vi phạm sẽ áp dụng mức tiền phạt cụ thể là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó.
Vậy khi áp dụng hình phạt bổ sung “tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe” đối với trường hợp có từ 2 hành vi trở lên thì xử phạt như thế nào?
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định 81/2013/NĐ-CP:
Điều 7. Áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề
1. Trường hợp một cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính mà bị xử phạt trong cùng một lần, trong đó có từ hai hành vi trở lên bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng cùng một loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề, thì áp dụng thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép; chứng chỉ hành nghề của hành vi vi phạm hành chính có thời hạn tước dài nhất.
…
Theo đó, trong trường hợp người vi phạm có từ hai hành vi trở lên bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng cùng một loại giấy phép, mà xử phạt cùng một lần thì áp dụng thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép của hành vi vi phạm hành chính có thời hạn tước dài nhất (tức là không được cộng dồn).
Ví dụ trong trường hợp của anh A, thời hạn tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe được áp dụng sẽ là từ 22 tháng đến 24 tháng.
Trên đây là một vài quy định khi xử phạt vi phạm giao thông trong trường hợp người vi phạm phạm nhiều lỗi, các đồng chí CSGT và người dân cần lưu ý để tránh trường hợp phạt sai, phạt oan.
Xem thêm: Mức phạt các vi phạm giao thông thường gặp trong dịp Tết Âm lịch 2021