Xin hỏi về xử phạt hành chính vi phạm quy định về hoạt động của văn phòng thừa phát lại như thế nào? - Quế Anh (Lâm Đồng)
Xử phạt hành chính vi phạm quy định về hoạt động của văn phòng thừa phát lại (Hình từ internet)
Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 08/2020/NĐ-CP về Văn phòng Thừa phát lại:
- Văn phòng Thừa phát lại là tổ chức hành nghề của Thừa phát lại để thực hiện các công việc được giao theo quy định của Nghị định 08/2020/NĐ-CP và pháp luật có liên quan.
Văn phòng Thừa phát lại do 01 Thừa phát lại thành lập được tổ chức theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Văn phòng Thừa phát lại do 02 Thừa phát lại trở lên thành lập được tổ chức theo loại hình công ty hợp danh.
- Tên gọi của Văn phòng Thừa phát lại phải bao gồm cụm từ “Văn phòng Thừa phát lại” và phân tên riêng liên sau. Việc đặt tên riêng và gắn biển hiệu thực hiện theo quy định của pháp luật, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của Văn phòng Thừa phát lại khác trong phạm vi toàn quốc, không được vi phạm truyền thông lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
- Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng Thừa phát lại là Trưởng Văn phòng Thừa phát lại. Trưởng Văn phòng Thừa phát lại phải là Thừa phát lại.
Văn phòng Thừa phát lại có thể có Thừa phát lại là thành viên hợp danh, Thừa phát lại làm việc theo chế độ hợp đồng lao động và thư ký nghiệp vụ.
Thư ký nghiệp vụ giúp Thừa phát lại thực hiện nghiệp vụ pháp lý theo quy định. Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại phải có các tiêu chuẩn quy định tại Khoản 1 Điều 6 của Nghị định 08/2020/NĐ-CP, phải có trình độ từ trung cấp luật trở lên và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 11 của Nghị định 08/2020/NĐ-CP.
- Văn phòng Thừa phát lại có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính.
+ Con dấu của Văn phòng Thừa phát lại không có hình quốc huy. Văn phòng Thừa phát lại được khắc và sử dụng con dấu sau khi được cấp Giấy đăng ký hoạt động. Thủ tục, hồ sơ đăng ký mẫu con dấu, việc quản lý, sử dụng con dấu của Văn phòng Thừa phát lại được thực hiện theo quy định của pháp luật về con dấu.
+ Chế độ tài chính của Văn phòng Thừa phát lại được thực hiện theo chế độ tài chính của loại hình doanh nghiệp tương ứng theo quy định của pháp luật.
- Văn phòng Thừa phát lại không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ sở, địa điểm giao dịch ngoài trụ sở của Văn phòng Thừa phát lại; không được thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngoài phạm vi hoạt động của Thừa phát lại theo quy định của Nghị định 08/2020/NĐ-CP.
Theo Điều 33 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt hành vi vi phạm quy định về hoạt động của văn phòng thừa phát lại như sau:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Không niêm yết lịch làm việc hoặc nội quy tiếp người yêu cầu tại trụ sở văn phòng thừa phát lại;
+ Không niêm yết thủ tục hoặc chi phí thực hiện công việc tại trụ sở văn phòng thừa phát lại;
+ Lập, quản lý, sử dụng sổ sách, biểu mẫu không đúng quy định;
+ Thực hiện không đầy đủ chế độ thông tin, báo cáo theo quy định; chấp hành không đầy đủ yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về việc báo cáo phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm sát, giám sát;
+ Sử dụng biển hiệu không đúng mẫu quy định;
+ Không bảo đảm trang phục cho thừa phát lại theo quy định;
+ Lưu trữ hồ sơ công việc không đúng quy định.
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Không tạo điều kiện cho thừa phát lại tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ;
+ Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu ngoài phạm vi hoặc không đúng thẩm quyền;
+ Nhận tập sự hành nghề thừa phát lại mà văn phòng thừa phát lại không đủ điều kiện nhận tập sự theo quy định;
+ Lập vi bằng mà không có hợp đồng dịch vụ hoặc hợp đồng dịch vụ có nội dung không đúng quy định;
+ Gửi vi bằng, tài liệu chứng minh về Sở Tư pháp để đăng ký không đúng thời hạn quy định.
- Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Không có biển hiệu theo quy định;
+ Không lập, quản lý, sử dụng sổ sách, biểu mẫu theo quy định;
+ Không thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định; không chấp hành yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về việc báo cáo phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm sát, giám sát;
+ Không gửi vi bằng, tài liệu chứng minh về Sở Tư pháp để đăng ký theo quy định;
+ Thu chi phí không đúng quy định hoặc cao hơn mức đã thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ;
+ Hoạt động không đúng địa chỉ trụ sở ghi trong giấy đăng ký hoạt động;
+ Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho thừa phát lại không đầy đủ hoặc không liên tục.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quyết định cho phép thành lập, giấy đăng ký hoạt động của văn phòng thừa phát lại;
+ Đăng ký hoạt động không đúng thời hạn theo quy định;
+ Thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngoài hoạt động thừa phát lại;
+ Không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho thừa phát lại của văn phòng mình;
+ Không thông báo cho Sở Tư pháp để xóa đăng ký hành nghề đối với thừa phát lại không còn làm việc tại văn phòng mình.
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Mở chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ sở, địa điểm giao dịch ngoài trụ sở văn phòng thừa phát lại;
+ Không đăng ký hành nghề cho thừa phát lại của văn phòng mình theo quy định;
+ Không đăng ký nội dung thay đổi về tên, địa chỉ trụ sở, họ tên trưởng văn phòng, danh sách thừa phát lại hợp danh, danh sách thừa phát lại làm việc theo chế độ hợp đồng của văn phòng mình theo quy định;
+ Cho người không phải là thừa phát lại của văn phòng mình hành nghề thừa phát lại dưới danh nghĩa văn phòng mình;
+ Cho người khác sử dụng quyết định cho phép thành lập, giấy đăng ký hoạt động của văn phòng thừa phát lại để hoạt động thừa phát lại.
- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động thừa phát lại mà không đủ điều kiện hoạt động thừa phát lại theo quy định.
Bên cạnh đó, quy định tại Khoản 7 Điều 33 Nghị định 82/2020/NĐ-CP về hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi vi phạm quy định về hoạt động của văn phòng thừa phát lại như sau:
+ Đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm e Khoản 3 Điều 33 Nghị định 82/2020/NĐ-CP;
+ Đình chỉ hoạt động từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 4, các Điểm a và Điểm d Khoản 5 Điều 33 Nghị định 82/2020/NĐ-CP;
+ Tước quyền sử dụng giấy đăng ký hoạt động từ 06 tháng đến 09 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm đ Khoản 5 Điều 33 Nghị định 82/2020/NĐ-CP;
+ Tịch thu tang vật là quyết định cho phép thành lập, giấy đăng ký hoạt động bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a Khoản 4 Điều 33 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.
Ngoài ta, căn cứ Khoản 8 Điều 33 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm quy định về hoạt động của văn phòng thừa phát lại bao gồm:
- Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 33 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điểm đ Khoản 3, các Điểm a, Điểm d và Điểm đ Khoản 5, Khoản 6 Điều 33 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.
Như vậy, hành vi vi phạm quy định về hoạt động của văn phòng thừa phát lại, mức phạt có thể lên đến 50.000.000 đồng.
Khi thuộc trường hợp hợp quy định tại Khoản 7, Khoản 8 Điều 33 Nghị định 82/2020/NĐ-CP sẽ buộc thực hiện các hình thức xử phạt bổ sùng và biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.
Nguyễn Phạm Nhựt Tân
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |