Quy định về phân loại cấp độ an toàn hệ thống thông tin

Quy định về phân loại cấp độ an toàn hệ thống thông tin
Le Truong Quoc Dat

Phân loại cấp độ an toàn hệ thống thông tin là gì? Và cấp độ an toàn hệ thống thông tin được phân loại thế nào? - Quốc Uy (Bình Dương)

Quy định về phân loại cấp độ an toàn hệ thống thông tin .

Quy định về phân loại cấp độ an toàn hệ thống thông tin (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Phân loại cấp độ an toàn hệ thống thông tin là gì?

Theo khoản 1 Điều 21 Luật An toàn thông tin mạng 2015 thì phân loại cấp độ an toàn hệ thống thông tin là việc xác định cấp độ an toàn thông tin của hệ thống thông tin theo cấp độ tăng dần từ 1 đến 5 để áp dụng biện pháp quản lý và kỹ thuật nhằm bảo vệ hệ thống thông tin phù hợp theo cấp độ.

2. Quy định về phân loại cấp độ an toàn hệ thống thông tin 

Quy định về phân loại cấp độ an toàn hệ thống thông tin theo khoản 2 Điều 21 Luật An toàn thông tin mạng 2015 như sau:

- Cấp độ 1 là cấp độ mà khi bị phá hoại sẽ làm tổn hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân nhưng không làm tổn hại tới lợi ích công cộng, trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia;

- Cấp độ 2 là cấp độ mà khi bị phá hoại sẽ làm tổn hại nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc làm tổn hại tới lợi ích công cộng nhưng không làm tổn hại tới trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia;

- Cấp độ 3 là cấp độ mà khi bị phá hoại sẽ làm tổn hại nghiêm trọng tới sản xuất, lợi ích công cộng và trật tự, an toàn xã hội hoặc làm tổn hại tới quốc phòng, an ninh quốc gia;

- Cấp độ 4 là cấp độ mà khi bị phá hoại sẽ làm tổn hại đặc biệt nghiêm trọng tới lợi ích công cộng và trật tự, an toàn xã hội hoặc làm tổn hại nghiêm trọng tới quốc phòng, an ninh quốc gia;

- Cấp độ 5 là cấp độ mà khi bị phá hoại sẽ làm tổn hại đặc biệt nghiêm trọng tới quốc phòng, an ninh quốc gia.

3. Nhiệm vụ bảo vệ hệ thống thông tin

Nhiệm vụ bảo vệ hệ thống thông tin theo Điều 22 Luật An toàn thông tin mạng 2015 gồm:

- Xác định cấp độ an toàn thông tin của hệ thống thông tin.

- Đánh giá và quản lý rủi ro an toàn hệ thống thông tin.

- Đôn đốc, giám sát, kiểm tra công tác bảo vệ hệ thống thông tin.

- Tổ chức triển khai các biện pháp bảo vệ hệ thống thông tin.

- Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

- Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về an toàn thông tin mạng.

4. Biện pháp bảo vệ hệ thống thông tin

Theo Điều 23 Luật An toàn thông tin mạng 2015 quy định về các biện pháp bảo vệ hệ thống thông tin như sau:

- Ban hành quy định về bảo đảm an toàn thông tin mạng trong thiết kế, xây dựng, quản lý, vận hành, sử dụng, nâng cấp, hủy bỏ hệ thống thông tin.

- Áp dụng biện pháp quản lý, kỹ thuật theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn thông tin mạng để phòng, chống nguy cơ, khắc phục sự cố an toàn thông tin mạng.

- Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định và đánh giá hiệu quả của các biện pháp quản lý và kỹ thuật được áp dụng.

- Giám sát an toàn hệ thống thông tin.

5. Trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin mạng cho hệ thống thông tin quan trọng quốc gia

Trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin mạng cho hệ thống thông tin quan trọng quốc gia theo Điều 27 Luật An toàn thông tin mạng 2015 như sau:

- Chủ quản hệ thống thông tin quan trọng quốc gia có trách nhiệm sau đây:

+ Thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật An toàn thông tin mạng 2015;

+ Định kỳ đánh giá rủi ro an toàn thông tin mạng. Việc đánh giá rủi ro an toàn thông tin mạng phải do tổ chức chuyên môn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định thực hiện;

+ Triển khai biện pháp dự phòng cho hệ thống thông tin;

+ Lập kế hoạch bảo vệ, lập phương án và diễn tập phương án bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng quốc gia.

- Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm sau đây:

+ Chủ trì, phối hợp với chủ quản hệ thống thông tin quan trọng quốc gia, Bộ Công an và bộ, ngành có liên quan hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ an toàn thông tin mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng quốc gia, trừ hệ thống thông tin quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 27 Luật An toàn thông tin mạng 2015;

+ Yêu cầu doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ an toàn thông tin mạng tham gia tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng cho hệ thống thông tin quan trọng quốc gia.

- Bộ Công an chủ trì hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ an toàn thông tin mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng quốc gia do Bộ Công an quản lý; 

Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, chủ quản hệ thống thông tin quan trọng quốc gia, bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp có liên quan trong việc bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng quốc gia khác khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Bộ Quốc phòng chủ trì hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ an toàn thông tin mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng quốc gia do Bộ Quốc phòng quản lý.

- Ban Cơ yếu Chính phủ chủ trì tổ chức triển khai giải pháp dùng mật mã để bảo vệ thông tin trong hệ thống thông tin quan trọng quốc gia của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; phối hợp với chủ quản hệ thống thông tin quan trọng quốc gia trong việc giám sát an toàn thông tin mạng theo quy định của pháp luật.

3618 lượt xem



  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;