Quản lý thi công xây dựng công trình bao gồm những nội dung gì?

Cho tôi hỏi có những nội dung nào trong việc quản lý thi công xây dựng công trình? - Trúc Anh (Bình Thuận)

Quản lý thi công xây dựng công trình bao gồm những nội dung gì?

Quản lý thi công xây dựng công trình bao gồm những nội dung gì? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Quản lý thi công xây dựng công trình là gì?

Theo khoản 2 Điều 2 Nghị định 06/2021/NĐ-CP, quản lý thi công xây dựng công trình là hoạt động quản lý của các chủ thể tham gia các hoạt động xây dựng theo quy định của Nghị định 06/2021/NĐ-CP và pháp luật khác có liên quan để việc thi công xây dựng công trình đảm bảo an toàn, chất lượng, tiến độ, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của thiết kế và mục tiêu đề ra.

2. Quản lý thi công xây dựng công trình bao gồm những nội dung gì?

Nội dung quản lý thi công xây dựng công trình bao gồm:

- Quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình;

- Quản lý tiến độ thi công xây dựng công trình;

- Quản lý khối lượng thi công xây dựng công trình;

- Quản lý an toàn lao động, môi trường xây dựng trong thi công xây dựng công trình;

- Quản lý chi phí đầu tư xây dựng trong quá trình thi công xây dựng;

- Quản lý các nội dung khác theo quy định của hợp đồng xây dựng.

(Khoản 1 Điều 10 Nghị định 06/2021/NĐ-CP)

3. Trình tự quản lý thi công xây dựng công trình

Căn cứ tại Điều 11 Nghị định 06/2021/NĐ-CP, trình tự quản lý thi công xây dựng công trình được quy định như sau:

- Tiếp nhận mặt bằng thi công xây dựng; thực hiện việc quản lý công trường xây dựng.

- Quản lý vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình xây dựng.

- Quản lý thi công xây dựng công trình của nhà thầu.

- Giám sát thi công xây dựng công trình của chủ đầu tư, kiểm tra và nghiệm thu công việc xây dựng trong quá trình thi công xây dựng công trình.

- Giám sát tác giả của nhà thầu thiết kế trong quá trình thi công xây dựng công trình.

- Thí nghiệm đối chứng, thử nghiệm khả năng chịu lực của kết cấu công trình và kiểm định xây dựng trong quá trình thi công xây dựng công trình.

- Nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng, bộ phận công trình xây dựng (nếu có).

- Nghiệm thu hạng mục công trình, công trình hoàn thành để đưa vào khai thác, sử dụng.

- Kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có).

- Lập và lưu trữ hồ sơ hoàn thành công trình.

- Hoàn trả mặt bằng.

- Bàn giao công trình xây dựng.

4. Nguyên tắc trong thi công xây dựng công trình

Các nguyên tắc trong thi công xây dựng công trình bao gồm:

- Bảo đảm đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch, thiết kế, bảo vệ cảnh quan, môi trường; phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội, đặc điểm văn hóa của địa phương; 

Bảo đảm ổn định cuộc sống của Nhân dân; kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Sử dụng hợp lý nguồn lực, tài nguyên tại khu vực có dự án, bảo đảm đúng mục đích, đối tượng và trình tự đầu tư xây dựng.

- Tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định của pháp luật về sử dụng vật liệu xây dựng; 

Bảo đảm nhu cầu tiếp cận sử dụng công trình thuận lợi, an toàn cho người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em ở các công trình công cộng, nhà cao tầng; 

Ứng dụng khoa học và công nghệ, áp dụng hệ thống thông tin công trình trong hoạt động đầu tư xây dựng.

- Bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn công trình, tính mạng, sức khỏe con người và tài sản; phòng, chống cháy, nổ; bảo vệ môi trường.

- Bảo đảm xây dựng đồng bộ trong từng công trình và đồng bộ với các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

- Tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động xây dựng phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định; chịu trách nhiệm về chất lượng công việc do mình thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi 2020).

- Bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thất thoát và tiêu cực khác trong hoạt động đầu tư xây dựng.

- Phân định rõ chức năng quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng với chức năng quản lý của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư phù hợp với từng loại nguồn vốn sử dụng.

- Khi lập và thực hiện quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành công trình xây dựng, phát triển vật liệu xây dựng phải có giải pháp kỹ thuật và quản lý nhằm bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường.

(Điều 4 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi 2020))

Nguyễn Thị Hoài Thương

3863 lượt xem



  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;