Cho tôi hỏi cần lưu ý những điều gì khi người lao động sử dụng lao động cao tuổi theo quy định hiện hành? - Nguyễn Thơ (Bạc Liêu)
Những lưu ý khi sử dụng người lao động cao tuổi (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 148 Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.
Lưu ý thứ nhất: Quy định về sử dụng người lao động cao tuổi theo Điều 149 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Khi sử dụng người lao động cao tuổi, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.
Khi người lao động cao tuổi đang hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 mà làm việc theo hợp đồng lao động mới thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi được hưởng tiền lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, hợp đồng lao động.
Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khỏe của người lao động cao tuổi tại nơi làm việc.
Lưu ý thứ hai: Quy định về thời gian làm việc của người cao tuổi
Theo quy định tại khoản 2 Điều 148 Bộ luật Lao động 2019 có quy định thêm là người lao động cao tuổi có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.
Ngoài ra người sử dụng lao động lớn tuổi có thể yêu cầu người lao động lớn tuổi làm thêm giờ nếu đáp ứng các điều kiện tại khoản 2 điều 107 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
- Phải được sự đồng ý của người lao động;
- Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 40 giờ trong 01 tháng;
- Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019.
Lưu ý thứ ba: Quy định về việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động lớn tuổi như sau:
- Sẽ không phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động lớn tuổi nếu người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng mà đang giao kết hợp đồng lao động thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo khoản 9 Điều 123 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
- Người sử dụng lao động vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội nếu người lao động không thuộc trường hợp trên và hợp đồng lao động có thời hạn 1 tháng trở lên theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Người sử dụng lao động có thể bị xử phạt hành chính nếu vi phạm những quy định về sử dụng người lao động cao tuổi, căn cứ theo khoản 2 Điều 31 Nghị định 12/2022/NĐ-CP mức phạt được quy định như sau:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn.
Hoàng Danh Quyết
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |