Thế nào là kê khai giá? Những loại hàng hóa, dịch vụ nào phải kê khai giá? - Quang Linh (Ninh Thuận)
Về vấn đề này LawNet giải đáp như sau:
Theo khoản 9 Điều 4 Luật Giá 2012, kê khai giá là việc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ gửi thông báo mức giá hàng hóa, dịch vụ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi định giá, điều chỉnh giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện phải kê khai giá.
Những loại hàng hóa, dịch vụ phải kê khai giá (Hình từ Internet)
Căn cứ khoản 1 Điều 15 Nghị định 177/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 149/2016/NĐ-CP), hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá bao gồm:
- Hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá quy định tại Điều 3 Nghị định 177/2013/NĐ-CP trong thời gian Nhà nước không áp dụng biện pháp đăng ký giá;
- Xi măng, thép xây dựng;
- Than;
- Thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm và thủy sản; thuốc thú y để tiêu độc, sát trùng, tẩy trùng, trị bệnh cho gia súc, gia cầm và thủy sản theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Giấy in, viết (dạng cuộn), giấy in báo sản xuất trong nước;
- Dịch vụ tại cảng biển;
- Dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục nhà nước quy định khung giá;
- Cước vận chuyển hành khách bằng đường sắt loại ghế ngồi cứng, ghế ngồi mềm;
- Sách giáo khoa;
- Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa thuộc danh mục nhà nước quy định khung giá;
- Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho người tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân; khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước;
- Cước vận tải hành khách tuyến cố định bằng đường bộ; cước vận tải hành khách bằng taxi;
- Thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 06 tuổi theo quy định của Bộ Y tế;
- Etanol nhiên liệu không biến tính; khí tự nhiên hóa lỏng (LNG); khí thiên nhiên nén (CNG);
- Dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt;
- Hàng hóa, dịch vụ khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Cách thức thực hiện và tiếp nhận kê khai giá quy định tại Điều 15 Thông tư 56/2014/TT-BTC (sửa đổi bởi Thông tư 233/2016/TT-BTC), cụ thể:
- Tổ chức, cá nhân thực hiện kê khai giá theo quy định tại Điều 15, Điều 16 Nghị định 177/2013/NĐ-CP và khoản 9, khoản 10 Điều 1 Nghị định 149/2016/NĐ-CP bằng việc lập Văn bản kê khai giá (gọi tắt là Văn bản) và gửi cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận Văn bản (gọi tắt là cơ quan tiếp nhận Văn bản) theo một trong các hình thức sau:
+ Gửi trực tiếp 02 bản tại Văn phòng cơ quan tiếp nhận Văn bản;
+ Gửi qua đường công văn 02 bản cho cơ quan tiếp nhận Văn bản;
+ Gửi qua thư điện tử kèm bản scan Văn bản kê khai giá có chữ ký và dấu theo địa chỉ đã được cơ quan tiếp nhận Văn bản thông báo hoặc gửi qua fax và gọi điện thoại thông báo cho cơ quan tiếp nhận Văn bản. Đồng thời, gửi qua đường công văn 02 bản cho cơ quan tiếp nhận Văn bản.
- Cơ quan tiếp nhận Văn bản thực hiện như sau khi nhận được Văn bản:
+ Cán bộ tiếp nhận kiểm tra về thành phần, số lượng Văn bản, trường hợp Văn bản có đủ thành phần, số lượng theo quy định, cán bộ tiếp nhận Văn bản thực hiện đóng dấu công văn đến có ghi ngày tháng năm tiếp nhận vào Văn bản và trả ngay 01 bản Văn bản cho tổ chức, cá nhân đến nộp trực tiếp hoặc chuyển ngay theo đường bưu điện 01 bản Văn bản cho tổ chức, cá nhân đã gửi Văn bản theo đường công văn, fax hoặc thư điện tử; đồng thời, chuyển ngay 01 bản Văn bản đến lãnh đạo cơ quan, phòng, ban nghiệp vụ có thẩm quyền.
+ Cán bộ tiếp nhận kiểm tra về thành phần, số lượng Văn bản, trường hợp Văn bản không đủ thành phần, số lượng theo quy định, cán bộ tiếp nhận Văn bản ghi rõ lý do trả lại, các nội dung cần bổ sung và trả lại ngay Văn bản cho tổ chức, cá nhân đến nộp trực tiếp; hoặc tối đa không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Văn bản, cơ quan tiếp nhận Văn bản thông báo bằng công văn, fax hoặc thư điện tử yêu cầu tổ chức, cá nhân thực hiện kê khai giá nộp bổ sung thành phần, số lượng Văn bản.
Tổ chức, cá nhân thực hiện kê khai giá có trách nhiệm hoàn thiện đầy đủ thành phần, số lượng Văn bản theo quy định và nộp lại cho cơ quan tiếp nhận Văn bản tối đa không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan tiếp nhận Văn bản thông báo bằng văn bản qua đường công văn, fax, thư điện tử yêu cầu bổ sung đủ thành phần, số lượng Văn bản. Ngày tổ chức, cá nhân nộp đủ thành phần, số lượng Văn bản được tính là ngày tiếp nhận Văn bản, cán bộ tiếp nhận đóng dấu công văn đến có ghi ngày, tháng, năm tiếp nhận vào Văn bản.
+ Trường hợp kê khai giảm giá, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện giảm giá ngay, đồng thời gửi Văn bản đến cơ quan tiếp nhận Văn bản.
Cơ quan tiếp nhận Văn bản kiểm tra về thành phần, số lượng Văn bản theo quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 15 Thông tư 56/2014/TT-BTC (sửa đổi bởi Thông tư 233/2016/TT-BTC) và yêu cầu tổ chức, cá nhân thực hiện kê khai giá có trách nhiệm hoàn thiện đầy đủ thành phần, số lượng Văn bản theo quy định để lưu trữ đầy đủ hồ sơ kê khai giá phục vụ công tác quản lý nhà nước theo quyền hạn và trách nhiệm quy định tại Điều 17 Thông tư 56/2014/TT-BTC.
- Văn bản kê khai giá thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục số 4 ban hành kèm theo Thông tư 56/2014/TT-BTC.
Trường hợp tổ chức, cá nhân có chính sách khuyến mại, giảm giá hay chiết khấu đối với các đối tượng khách hàng hoặc nhóm đối tượng khách hàng thì ghi rõ trong Văn bản kê khai giá tên đối tượng khách hàng hoặc nhóm đối tượng khách hàng và mức khuyến mại, giảm giá hay chiết khấu.
- Cách thức thực hiện kê khai giá đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho người tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân; khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Cách thức thực hiện kê khai giá đối với cước vận tải hành khách tuyến cố định bằng đường bộ; cước vận tải hành khách bằng taxi theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải.
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |