Cho tôi hỏi những ai sẽ không được mua doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ? - Chí Trung (TPHCM)
Những ai không được mua doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ? (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Theo Điều 23 Nghị định 23/2022/NĐ-CP quy định những đối tượng không được mua doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ gồm:
- Người không có năng lực hành vi dân sự, người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người tại thời điểm đăng ký tham gia đấu giá không nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.
- Tổ chức tài chính trung gian, cơ quan kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp và các cá nhân thuộc các tổ chức này trực tiếp giám định, định giá, kiểm toán doanh nghiệp; cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của người trực tiếp giám định, định giá, kiểm toán doanh nghiệp.
Tổ chức đấu giá doanh nghiệp và người làm việc trong tổ chức đấu giá doanh nghiệp thực hiện cuộc đấu giá; cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá.
- Người được cơ quan đại diện chủ sở hữu ủy quyền xử lý việc bán doanh nghiệp; người có quyền quyết định bán doanh nghiệp, người ký hợp đồng dịch vụ đấu giá doanh nghiệp;
- Cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của người quy định tại khoản 3 Điều 23 Nghị định 23/2022/NĐ-CP;
-. Những người không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
- Nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư liên quan đến các điều kiện về tiếp cận thị trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh và pháp luật về đất đai.
Các trường hợp bán toàn bộ doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo Điều 22 Nghị định 23/2022/NĐ-CP như sau:
- Thuộc diện cổ phần hóa theo quy định nhưng không đáp ứng đủ điều kiện để thực hiện cổ phần hóa và được Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển sang hình thức bán toàn bộ doanh nghiệp.
- Các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Trình tự bán toàn bộ doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo Điều 25 Nghị định 23/2022/NĐ-CP như sau:
- Xây dựng phương án bán toàn bộ doanh nghiệp bao gồm:
+ Chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu, trong đó bao gồm:
++ Hồ sơ pháp lý về thành lập doanh nghiệp;
++ Hồ sơ pháp lý về tài sản, nguồn vốn, công nợ;
++ Báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán thuế đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp;
++ Phương án sử dụng đất của doanh nghiệp đang quản lý phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước từng thời kỳ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
++ Phương án sắp xếp lại lao động;
++ Dự toán chi phí bán toàn bộ doanh nghiệp;
++ Phương pháp, hình thức, thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp và các tài liệu liên quan khác (nếu có);
+ Tổ chức kiểm kê, xử lý những vấn đề về tài chính và tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp;
+ Quyết định và công bố giá trị doanh nghiệp;
+ Hoàn tất phương án bán toàn bộ doanh nghiệp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phương án bán toàn bộ doanh nghiệp phải bao gồm các nội dung cơ bản như:
++ Thực trạng của công ty ở thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp;
++ Kết quả xác định giá trị doanh nghiệp;
++ Xác định giá bán và phương thức bán, dự kiến chi phí tổ chức thực hiện;
++ Phương án sử dụng đất của doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
++ Phương án sử dụng lao động đang quản lý và giải quyết lao động dôi dư.
- Tổ chức thực hiện phương án bán toàn bộ doanh nghiệp theo phương thức đấu giá.
- Hoàn tất việc bán toàn bộ doanh nghiệp: Quyết toán chi phí bán và số tiền thu từ việc bán toàn bộ doanh nghiệp; thanh toán; bàn giao tài sản, sổ sách và các hồ sơ liên quan cho người trúng đấu giá; thông báo về việc hoàn thành bán toàn bộ doanh nghiệp.
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |