Nhiệm vụ và quyền hạn của công đoàn cấp trên trực tiếp

Cơ quan nào có thẩm quyền thành lập công đoàn cấp trên trực tiếp? Nhiệm vụ và quyền hạn của công đoàn cấp trên trực tiếp là gì? – Mai Hương (Phú Yên)

Nhiệm vụ và quyền hạn của công đoàn cấp trên trực tiếp

Nhiệm vụ và quyền hạn của công đoàn cấp trên trực tiếp (Hình từ internet)

1. Thẩm quyền thành lập công đoàn cấp trên trực tiếp

Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức theo đơn vị hành chính, theo ngành, nghề, tổng công ty, tập đoàn kinh tế, do liên đoàn lao động tỉnh, thành phố hoặc công đoàn ngành trung ương quyết định thành lập, giải thể, theo hướng dẫn của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn.

(Khoản 1 Điều 17 Điều lệ Công đoàn Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 174/QĐ-TLĐ)

2. Đối tượng tập hợp của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở

Đối tượng tập hợp của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở gồm:

- Liên đoàn lao động cấp huyện tập hợp người lao động theo địa giới hành chính cấp huyện, trừ đối tượng tập hợp của các công đoàn cấp trên nêu tại các điểm b, c, d, đ Khoản 2, Điều này.

- Công đoàn ngành địa phương tập hợp người lao động trong các đơn vị sử dụng lao động theo ngành trên địa bàn tỉnh, thành phố.

- Công đoàn các khu công nghiệp tập hợp người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao.

- Công đoàn tổng công ty, tập đoàn kinh tế, tập hợp người lao động trong các doanh nghiệp thành viên của tổng công ty, tập đoàn kinh tế.

- Công đoàn cấp trên trực tiếp khác tập hợp người lao động theo đơn vị sử dụng lao động có các cơ quan, đơn vị trực thuộc, như đại học quốc gia, đại học vùng, tổng cục, cơ quan bộ, cơ quan ngang bộ, ngành, đoàn thể cấp trung ương...

(Khoản 2 Điều 17 Điều lệ Công đoàn Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 174/QĐ-TLĐ)

3. Nhiệm vụ và quyền hạn của công đoàn cấp trên trực tiếp

Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có các nhiệm vụ, quyền hạn chủ yếu sau:

- Đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động theo quy định của pháp luật.

- Hướng dẫn, hỗ trợ ban chấp hành công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở về nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp, nội dung tổ chức thực hiện nhiệm vụ, các chủ trương, nghị quyết của công đoàn; tuyên truyền, vận động đoàn viên và người lao động thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghĩa vụ của công dân và người lao động.

- Hướng dẫn, hỗ trợ công đoàn cơ sở hoặc đại diện cho đoàn viên và người lao động tổ chức đối thoại, thương lượng tập thể theo quy định của pháp luật.

- Chỉ đạo phát triển và quản lý đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở; vận động, hỗ trợ thành lập công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở; tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở; đánh giá, xếp loại tổ chức công đoàn hằng năm.

- Tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên và người lao động; tham gia với chính quyền, chuyên môn đồng cấp các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đơn vị, doanh nghiệp; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền nhân dân trong sạch, vững mạnh.

- Chủ động hoặc phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách của người lao động; tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp lao động.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế phối hợp giữa các công đoàn cấp trên trong việc chỉ đạo hoạt động của công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở.

- Quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công đoàn theo quy định của pháp luật Nhà nước.

- Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định.

- Thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn khác.

(Điều 18 Điều lệ Công đoàn Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 174/QĐ-TLĐ)

Diễm My

2694 lượt xem



  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;