Nghiệp vụ bảo vệ là gì? Các biện pháp nghiệp vụ bảo vệ gồm những biện pháp nào? - Huy Dũng (Tiền Giang)
Nghiệp vụ bảo vệ là gì? Các biện pháp nghiệp vụ bảo vệ (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 06/2013/NĐ-CP thì nghiệp vụ bảo vệ là tổng hợp các biện pháp chuyên môn trang bị cho lực lượng bảo vệ nhằm bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn cơ quan, doanh nghiệp.
Theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 06/2013/NĐ-CP thì các biện pháp nghiệp vụ bảo vệ bao gồm:
- Biện pháp hành chính;
- Biện pháp quần chúng;
- Biện pháp tuần tra, canh gác.
Nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp theo Điều 10 Nghị định 06/2013/NĐ-CP như sau:
- Lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức chính trị có nhiệm vụ:
+ Thực hiện các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật và hướng dẫn nghiệp vụ bảo vệ của lực lượng Công an để phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp; kịp thời đề xuất với người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp biện pháp xử lý;
+ Trực tiếp kiểm soát người ra vào cơ quan, doanh nghiệp. Khi xảy ra các vụ việc có liên quan đến an ninh, trật tự và an toàn cơ quan, doanh nghiệp phải tổ chức bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản của cơ quan, doanh nghiệp, cấp cứu nạn nhân, bắt người phạm tội quả tang và báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất;
+ Thực hiện các quy định về công tác phòng cháy, chữa cháy, giữ gìn trật tự công cộng;
+ Làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong cơ quan, doanh nghiệp; xây dựng cơ quan, doanh nghiệp an toàn;
+ Phối hợp với Công an xã, phường, thị trấn nơi cơ quan, doanh nghiệp đóng trong công tác nắm tình hình, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn cơ quan, doanh nghiệp; đề xuất với người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp xây dựng nội quy bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, kế hoạch, biện pháp phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trong cơ quan, doanh nghiệp;
+ Thực hiện các quy định về quản lý vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ, chất dễ cháy, chất độc hại (nếu có); giúp người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp trong việc phối hợp với cơ quan Công an để quản lý, giáo dục người có tiền án, tiền sự, người chấp hành xong các biện pháp xử lý vi phạm hành chính khác đang làm việc tại cơ quan, doanh nghiệp;
+ Phối hợp với các tổ chức quần chúng trong cơ quan, doanh nghiệp tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cho mọi người; hướng dẫn các tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn trong cơ quan, doanh nghiệp;
+ Thực hiện những nhiệm vụ cụ thể khác để bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp do người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp giao theo đúng quy định của pháp luật.
- Lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp khác thực hiện các nhiệm vụ quy định tại điểm a, b, c, d, đ, g, h khoản 1 Điều 10 Nghị định 06/2013/NĐ-CP.
Quyền hạn của lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp theo Điều 11 Nghị định 06/2013/NĐ-CP như sau:
- Lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức chính trị có quyền hạn sau:
+ Kiểm tra, đôn đốc các bộ phận, đơn vị và cán bộ, công nhân viên trong cơ quan, doanh nghiệp thực hiện các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự và nội quy bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp;
+ Trong khi làm nhiệm vụ, được kiểm tra giấy tờ, hàng hóa, phương tiện ra vào cơ quan, doanh nghiệp nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc vi phạm nội quy của cơ quan, doanh nghiệp;
+ Tiến hành công tác xác minh những vụ, việc xảy ra ở cơ quan, doanh nghiệp theo thẩm quyền mà người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp giao hoặc theo yêu cầu của cơ quan Công an có thẩm quyền;
+ Từ chối thực hiện các yêu cầu trái pháp luật trong khi thi hành nhiệm vụ bảo vệ và phải báo cáo cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.
- Lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp khác thực hiện quyền hạn quy định tại điểm b, c, d khoản 1 Điều 11 Nghị định 06/2013/NĐ-CP.
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |