Mượn tiền qua tin nhắn nhưng không trả, có kiện được không?

Xin hỏi tôi cho bạn mượn tiền qua tin nhắn nhưng tới ngày trả nợ thì bạn không chịu trả, vậy tôi có kiện được không? - Thảo Uyên (Bình Dương)

Mượn tiền qua tin nhắn nhưng không trả, có kiện được không? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Tin nhắn mượn tiền có được coi là hợp đồng mượn tài sản?

Theo Điều 494 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hợp đồng mượn tài sản như sau:

Hợp đồng mượn tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được.

Đồng thời, tại Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hình thức giao dịch dân sự hiện nay gồm:

- Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

- Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.

Theo đó, thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử.

Như vậy, có thể thấy, hợp đồng mượn tài sản không bắt buộc phải lập bằng văn bản giấy. Trong đó, nếu mượn tiền qua tin nhắn cũng được coi là một dạng của hợp đồng mượn tài sản dưới hình thức thông điệp dữ liệu - một dạng của văn bản.

Do đó, có thể mượn tiền qua tin nhắn và tin nhắn cho mượn tiền có thể được xem là hợp đồng mượn tài sản.

2. Mượn tiền qua tin nhắn nhưng không trả, có kiện được không?

Do tin nhắn mượn tiền vẫn được xem là một trong các hình thức của hợp đồng mượn tiền nên theo khoản 3 Điều 496 Bộ luật Dân sự 2015, người mượn tiền phải có nghĩa vụ trả lại số tiền đã mượn đúng thời hạn thỏa thuận.

Nếu hai bên không có thỏa thuận về vấn đề này thì người mượn tiền phải trả lại ngay số tiền cho người cho mượn ngay sau khi mục đích mượn đã được được.

Ngược lại, nếu người mượn không trả nợ dù mượn qua tin nhắn hay lập hợp đồng thì người cho mượn hoàn toàn có quyền khởi kiện để đòi nợ bởi quyền lợi của người cho mượn tiền trong trường hợp này đã bị xâm phạm.

3. Đoạn tin nhắn mượn tiền có được xem là nguồn chứng cứ khi khởi kiện không?

Theo Điều 93 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về chứng cứ như sau:

Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.

Bên cạnh đó, tại Điều 94 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 cũng quy định chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:

- Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử.

- Vật chứng.

- Lời khai của đương sự.

- Lời khai của người làm chứng.

- Kết luận giám định.

- Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ.

- Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản.

- Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập.

- Văn bản công chứng, chứng thực.

- Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.

Qua đó, có thể hiểu chứng cứ trong vụ việc dân sự được hiểu là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục.

Như vậy, đoạn tin nhắn mượn tiền được xem là nguồn chứng cứ khi khởi kiện đòi tiền người yêu cũ dưới dạng dữ liệu điện tử.

Nguyễn Ngọc Quế Anh

3830 lượt xem



  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;