Nội dung bài viết hướng dẫn điều tra, khảo sát bom mìn vật nổ sau chiến tranh theo quy định pháp luật hiện hành.
Hướng dẫn điều tra, khảo sát bom mìn vật nổ sau chiến tranh (Hình ảnh từ Internet)
Tại khoản 2,3 và 5 Điều 3 Nghị định 18/2019/NĐ-CP giải thích về điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn vật nổ sau chiến tranh như sau:
- Điều tra bom mìn vật nổ là hoạt động liên quan đến việc thu thập, phân tích, đánh giá các thông tin, dữ liệu về bom mìn vật nổ sau chiến tranh và diện tích có khả năng ô nhiễm bom mìn vật nổ sau chiến tranh trong một khu vực nhất định.
- Khảo sát bom mìn vật nổ là hoạt động can thiệp cụ thể bằng các trang thiết bị nhằm kiểm tra tình trạng ô nhiễm bom mìn vật nổ trên một khu vực được xác nhận có khả năng ô nhiễm bom mìn vật nổ sau khi điều tra.
- Rà phá bom mìn vật nổ là hoạt động dò tìm, thu gom, tiêu hủy hoặc vô hiệu hóa bom mìn vật nổ còn sót lại sau chiến tranh tại các khu vực được xác định là bị ô nhiễm bom mìn vật nổ nhằm giải phóng đất đai, khôi phục sản xuất, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Căn cứ Điều 21 Nghị định 18/2019/NĐ-CP quy định về điều tra, khảo sát bom mìn vật nổ sau chiến tranh như sau:
- Điều tra, khảo sát là hoạt động bắt buộc nhằm thu thập các thông tin về tình trạng ô nhiễm bom mìn vật nổ và phải được thực hiện trước khi lập dự án, hạng mục rà phá bom mìn vật nổ.
- Thông tin thu thập từ các hoạt động điều tra, khảo sát phải được gửi về Trung tâm Cơ sở dữ liệu bom mìn quốc gia để lưu giữ và lập bản đồ khu vực bị ô nhiễm bom mìn vật nổ. Các thông tin từ các cuộc điều tra, khảo sát trước đó phải được thu thập và sử dụng như thông số kỹ thuật trong quá trình điều tra, khảo sát và lập dự án rà phá bom mìn vật nổ.
- Các tổ chức khi thực hiện điều tra, khảo sát bom mìn vật nổ sau chiến tranh phải áp dụng đầy đủ Tiêu chuẩn quốc gia về điều tra, khảo sát ô nhiễm bom mìn vật nổ, phải cung cấp tài liệu, hồ sơ liên quan, chia sẻ thông tin cho chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan, tổ chức khi có yêu cầu theo quy định và phải chịu trách nhiệm pháp lý, bồi thường thiệt hại do sai lệch về kết quả điều tra, khảo sát gây ra.
Theo Điều 19 Nghị định 18/2019/NĐ-CP các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn vật nổ sau chiến tranh phải đáp ứng các điều kiện về kỹ thuật, an toàn theo quy định của pháp luật, phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế trong khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (quy định này không bao gồm các hoạt động quân sự, an ninh của Quân đội, Công an).
Tại Điều 10 Thông tư 195/2019/TT-BQP hướng dẫn việc thực hiện tham gia hoạt động điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn vật nổ sau chiến tranh của các tổ chức, cá nhân trên phạm vi toàn quốc như sau:
- Tổ chức, đơn vị tham gia hoạt động điều tra, khảo sát, tư vấn, giám sát, rà phá bom mìn vật nổ phải có quyết định thành lập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc giấy phép hoạt động hợp pháp ở Việt Nam và được cấp chứng chỉ năng lực theo quy định, Các tổ chức hoạt động tư vấn, giám sát không được đồng thời thực hiện rà phá bom mìn trong cùng một dự án, hạng mục, nhiệm vụ.
- Cá nhân là công dân Việt Nam, người nước ngoài được phép cư trú, làm việc tại Việt Nam đảm nhiệm các công việc trực tiếp tiếp xúc với bom mìn, đạn dược và các loại vật liệu nổ khác phải được đào tạo và cấp chứng chỉ chuyên ngành điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn vật nổ (quy định này không áp dụng đối với cá nhân trong các đơn vị chuyên trách khi làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh).
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |