Cho tôi hỏi các phần công việc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu được quy định gồm những công việc gì? - My Châu (Tiền Giang)
Các phần công việc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Theo Điều 5 Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT thì nội dung phần công việc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu bao gồm nội dung công việc và giá trị tương ứng hình thành các gói thầu, trong đó từng gói thầu bao gồm các nội dung quy định tại Điều 35 Luật Đấu thầu 2013, cụ thể như sau:
(1) Tên gói thầu:
Tên gói thầu cần thể hiện tính chất (xây lắp, mua sắm hàng hóa, dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, hỗn hợp), nội dung, phạm vi công việc của gói thầu phù hợp với nội dung nêu trong quyết định phê duyệt dự án. Trường hợp gói thầu được chia thành nhiều phần riêng biệt thì tên của từng phần cần thể hiện nội dung cơ bản của từng phần.
(2) Giá gói thầu:
Giá gói thầu được xác định trên cơ sở tổng mức đầu tư của dự án. Trường hợp dự toán đã được phê duyệt trước khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu thì căn cứ dự toán để lập giá gói thầu. Giá gói thầu được tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng (chi phí dự phòng trượt giá, chi phí dự phòng phát sinh khối lượng và chi phí dự phòng cho các khoản tạm tính (nếu có)), phí, lệ phí và thuế.
Đối với các gói thầu có thời gian thực hiện hợp đồng ngắn, không phát sinh rủi ro, trượt giá thì chi phí dự phòng được tính bằng không. Chi phí dự phòng do chủ đầu tư xác định theo tính chất từng gói thầu nhưng không được vượt mức tối đa do pháp luật chuyên ngành quy định. Giá gói thầu được cập nhật trong thời hạn 28 ngày trước ngày mở thầu nếu cần thiết.
- Đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, giá gói thầu được xác định trên cơ sở các thông tin về giá trung bình theo thống kê của các dự án đã thực hiện trong khoảng thời gian xác định; ước tính tổng mức đầu tư theo định mức suất đầu tư; sơ bộ tổng mức đầu tư;
- Trường hợp gói thầu gồm nhiều phần riêng biệt thì nêu rõ giá trị ước tính của từng phần.
(3) Đối với mỗi gói thầu phải nêu rõ nguồn vốn hoặc phương thức thu xếp vốn, thời gian cấp vốn để thanh toán cho nhà thầu; trường hợp sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi thì phải ghi rõ tên nhà tài trợ và cơ cấu nguồn vốn, bao gồm vốn tài trợ, vốn đối ứng trong nước.
(4) Hình thức lựa chọn nhà thầu:
Đối với từng gói thầu cần nêu rõ hình thức lựa chọn nhà thầu; lựa chọn nhà thầu trong nước hay quốc tế, có áp dụng thủ tục lựa chọn danh sách ngắn hay không áp dụng, lựa chọn nhà thầu qua mạng hay không trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu.
Trường hợp lựa chọn áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi thì không cần giải trình lý do áp dụng; trường hợp áp dụng đấu thầu quốc tế thì cần giải trình lý do áp dụng đấu thầu quốc tế. Cụ thể như sau:
- Đấu thầu rộng rãi được áp dụng cho các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu 2013, trừ các trường hợp quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g và h khoản 4 Điều 5 Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT;
- Đấu thầu hạn chế được áp dụng trong trường hợp gói thầu có yêu cầu cao về kỹ thuật hoặc kỹ thuật có tính đặc thù mà chỉ có một số nhà thầu đáp ứng yêu cầu của gói thầu;
- Chỉ định thầu được áp dụng trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu 2013 và Điều 54 Nghị định 63/2014/NĐ-CP; đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 22 Luật Đấu thầu 2013;
- Chào hàng cạnh tranh được áp dụng theo quy định tại Điều 23 Luật Đấu thầu 2013 và Điều 57 Nghị định 63/2014/NĐ-CP;
- Mua sắm trực tiếp được áp dụng theo quy định tại Điều 24 Luật Đấu thầu 2013. Trường hợp áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp, chủ đầu tư cần giải trình sự phù hợp hơn so với khi áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu khác;
- Tự thực hiện được áp dụng theo quy định tại Điều 25 Luật Đấu thầu 2013. Trường hợp áp dụng hình thức tự thực hiện, chủ đầu tư cần giải trình sự phù hợp hơn so với khi áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu khác;
- Lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt được áp dụng khi gói thầu xuất hiện các điều kiện đặc thù, riêng biệt mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 4 Điều 5 Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT.
Trường hợp áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt thì người có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu 2013;
- Tham gia thực hiện của cộng đồng được áp dụng theo quy định tại Điều 27 Luật Đấu thầu 2013.
Nghiêm cấm việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu không phải là hình thức đấu thầu rộng rãi khi không đủ điều kiện theo quy định của Luật Đấu thầu 2013.
(5) Phương thức lựa chọn nhà thầu:
- Phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
+ Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn; gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có quy mô nhỏ; trường hợp cần thiết thì có thể áp dụng phương thức “một giai đoạn, hai túi hồ sơ”;
+ Chào hàng cạnh tranh theo quy trình thông thường và rút gọn đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp;
+ Chỉ định thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp; trường hợp gói thầu áp dụng theo quy trình chỉ định thầu rút gọn thì không ghi nội dung này;
+ Mua sắm trực tiếp đối với gói thầu mua sắm hàng hóa.
- Phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ được áp dụng trong các trường hợp đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp;
- Phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ được áp dụng trong trường hợp đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có quy mô lớn, phức tạp;
- Phương thức hai giai đoạn hai túi hồ sơ được áp dụng trong trường hợp đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có kỹ thuật, công nghệ mới, phức tạp, có tính đặc thù.
(6) Thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu:
Thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu được tính từ khi phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. Trường hợp đấu thầu rộng rãi có áp dụng thủ tục lựa chọn danh sách ngắn, thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu được tính từ khi phát hành hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển.
(7) Loại hợp đồng:
Đối với từng gói thầu cụ thể, căn cứ quy mô, tính chất gói thầu, chủ đầu tư quy định loại hợp đồng áp dụng cho phù hợp để làm căn cứ lập hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; ký kết hợp đồng. Một gói thầu có thể được thực hiện theo một hoặc nhiều hợp đồng; trong một hợp đồng có thể áp dụng một hoặc nhiều loại hợp đồng quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 7 Điều 5 Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT.
Trường hợp áp dụng nhiều loại hợp đồng thì phải quy định rõ loại hợp đồng tương ứng với từng nội dung công việc cụ thể. Trường hợp gói thầu áp dụng loại hợp đồng trọn gói thì trong tờ trình chủ đầu tư không cần giải thích lý do áp dụng.
- Hợp đồng trọn gói là loại hợp đồng cơ bản. Đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn đơn giản; gói thầu xây lắp, hỗn hợp có quy mô nhỏ phải áp dụng hợp đồng trọn gói.
Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa thì loại hợp đồng áp dụng chủ yếu là hợp đồng trọn gói.
- Hợp đồng theo đơn giá cố định được áp dụng đối với gói thầu có đơn giá không thay đổi trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng đối với toàn bộ nội dung công việc của gói thầu.
- Hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh được áp dụng đối với các gói thầu chưa đủ điều kiện xác định chính xác về số lượng hoặc khối lượng và đơn giá có thể biến động trong thời gian thực hiện hợp đồng.
Trường hợp hàng hóa có tính đặc thù, phức tạp, quy mô lớn và thời gian thực hiện hợp đồng trên 18 tháng thì có thể áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh đối với gói thầu mua sắm hàng hóa.
- Hợp đồng theo thời gian được áp dụng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn.
(8) Thời gian thực hiện hợp đồng:
Thời gian thực hiện hợp đồng được tính từ ngày hợp đồng có hiệu lực đến ngày các bên hoàn thành nghĩa vụ theo quy định trong hợp đồng, trừ thời gian thực hiện nghĩa vụ bảo hành (nếu có). Thời gian thực hiện hợp đồng cần phù hợp với tiến độ thực hiện dự án. Trường hợp gói thầu gồm nhiều phần riêng biệt thì quy định cụ thể thời gian thực hiện hợp đồng cho từng phần.
Trình duyệt và thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo Điều 6 Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT như sau:
- Chủ đầu tư trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu lên người có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
- Người có thẩm quyền giao tổ chức thẩm định tiến hành thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
- Thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu là việc kiểm tra, đánh giá và đưa ra ý kiến nhận xét căn cứ quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật có liên quan về các nội dung sau đây:
+ Việc phân chia dự án thành các gói thầu:
Việc phân chia dự án thành các gói thầu căn cứ theo tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện, tính đồng bộ của dự án và sự hợp lý về quy mô gói thầu.
+ Căn cứ pháp lý để lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu:
Về cơ sở pháp lý của việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu và những lưu ý cần thiết (nếu có).
+ Nội dung văn bản trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu:
++ Về các nội dung quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT và về sự tuân thủ hoặc phù hợp với quy định của pháp luật đấu thầu, của pháp luật khác có liên quan cũng như yêu cầu của dự án và những lưu ý cần thiết khác (nếu có) đối với phần công việc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu bao gồm các nội dung quy định tại Điều 5 Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT;
++ Về sự phù hợp của tổng giá trị các phần công việc đã thực hiện, phần công việc không áp dụng được một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu, phần công việc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu, phần công việc chưa đủ điều kiện lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu (nếu có) so với tổng mức đầu tư của dự án được phê duyệt.
+ Giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu:
Trường hợp cần có nội dung giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu thì đề xuất người có thẩm quyền cử cá nhân hoặc đơn vị quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT để tham gia giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu.
- Tổ chức thẩm định đưa ra nhận xét chung về kế hoạch lựa chọn nhà thầu và ý kiến thống nhất hay không thống nhất với đề nghị của chủ đầu tư đối với kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Trường hợp thống nhất thì đề nghị người có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; trường hợp không thống nhất phải đưa ra lý do cụ thể và đề xuất biện pháp giải quyết để trình người có thẩm quyền xem xét, quyết định.
- Tổ chức được giao thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu lập báo cáo thẩm định theo Mẫu số 2 kèm theo Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT để trình người có thẩm quyền phê duyệt.
- Cá nhân tham gia tổ chức thẩm định phải có năng lực, kinh nghiệm, ngoại ngữ phù hợp và chứng chỉ đào tạo về đấu thầu.
- Thời gian thẩm định tối đa là 20 ngày kể từ ngày tổ chức thẩm định nhận được đầy đủ hồ sơ trình duyệt đến ngày gửi báo cáo thẩm định đến người có thẩm quyền.
- Đối với gói thầu thuộc trường hợp chỉ định thầu quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu 2013, trừ gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật nhà nước, sau khi chủ đầu tư hoặc cơ quan trực tiếp có trách nhiệm quản lý gói thầu xác định và giao cho nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện ngay gói thầu thì trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày giao thầu, chủ đầu tư phải hoàn thiện thủ tục trình người có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; trong trường hợp này không bắt buộc phải thực hiện thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |