Cho tôi hỏi các biện pháp tổ chức thực hiện quy chế quản lý kiến trúc hiện nay được quy định thế nào? - Tuấn Anh (Kiên Giang)
Các biện pháp tổ chức thực hiện quy chế quản lý kiến trúc (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Các biện pháp tổ chức thực hiện quy chế quản lý kiến trúc theo Điều 15 Nghị định 85/2020/NĐ-CP như sau:
- Biện pháp tổ chức thực hiện quy chế quản lý kiến trúc bao gồm:
+ Ban hành các văn bản và kế hoạch triển khai thực hiện quy chế;
+ Phổ biến, tuyên truyền về quy chế;
+ Đôn đốc, theo dõi tình hình thực hiện, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm quy chế;
+ Khuyến khích các tổ chức, cá nhân giám sát việc thực hiện quy chế;
+ Bảo đảm nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, kinh phí lập và tổ chức thực hiện quy chế.
- Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức thực hiện các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 85/2020/NĐ-CP bảo đảm kịp thời, hiệu quả.
- Kinh phí lập và tổ chức thực hiện quy chế quản lý kiến trúc:
+ Kinh phí phục vụ công tác lập và tổ chức thực hiện quy chế quản lý kiến trúc từ ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước 2015 và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
+ Bộ Xây dựng công bố phương pháp xác định chi phí cho công tác lập và tổ chức thực hiện quy chế quản lý kiến trúc.
+ Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm cân đối nguồn kinh phí ngân sách địa phương hàng năm để thực hiện công tác lập và thực hiện quy chế quản lý kiến trúc tại địa phương.
+ Thủ trưởng cơ quan chịu trách nhiệm quản lý kinh phí từ ngân sách nhà nước cho công tác lập và tổ chức thực hiện quy chế quản lý kiến trúc; kiểm soát việc tạm ứng, thanh toán, quyết toán theo quy định hiện hành. Các cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp kiểm tra, giám sát.
+ Trường hợp thuê đơn vị tư vấn lập quy chế quản lý kiến trúc phải đảm bảo quy định pháp luật về đấu thầu và pháp luật liên quan.
Theo Điều 12 Nghị định 85/2020/NĐ-CP thì quy chế quản lý kiến trúc đô thị gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
* Quy định chung:
- Quy định về quản lý kiến trúc đối với toàn bộ khu vực lập quy chế: Quy định phạm vi tổng thể, ranh giới lập quy chế;
- Các chỉ tiêu quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (nếu có), các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc địa phương được áp dụng;
- Định hướng kiểm soát không gian, kiến trúc, cảnh quan của toàn đô thị;
- Xác định các khu vực cần lập thiết kế đô thị riêng; vị trí, quy mô các công trình cần thi tuyển phương án kiến trúc;
- Quy định về kiến trúc công trình đảm bảo các yêu cầu về phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
* Quy định cụ thể:
- Quy định về kiến trúc cho từng khu vực trong đô thị theo địa giới hành chính hoặc theo chức năng, tính chất; đối với khu vực bảo tồn;
- Quy định về kiến trúc đối với tuyến đường cụ thể, quảng trường, khu trung tâm, cửa ngõ đô thị; bố trí biển hiệu, quảng cáo, tiện ích đô thị; khu vực cần ưu tiên chỉnh trang và kế hoạch thực hiện; khu vực có yêu cầu quản lý đặc thù; khu vực nông thôn thuộc đô thị;
- Các quy định về màu sắc, vật liệu xây dựng; yêu cầu đối với mặt đứng, mái, tầng 1 công trình;
- Quy định về quản lý kiến trúc đối với nhà ở, công trình công cộng, công trình phục vụ tiện ích đô thị, công trình công nghiệp, công trình hạ tầng kỹ thuật;
- Quy định về quản lý, bảo vệ công trình kiến trúc có giá trị.
* Xác định yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc:
- Các yếu tố đặc thù về điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, phong tục tập quán địa phương liên quan đến bản sắc trong kiến trúc;
- Các hình thái kiến trúc đặc trưng; kỹ thuật xây dựng và sử dụng vật liệu truyền thống của địa phương;
- Lựa chọn phương án, định hướng kiến trúc đảm bảo bản sắc văn hóa dân tộc trong xây dựng mới, cải tạo công trình kiến trúc.
* Các nội dung quy định tại các điểm e, g và h khoản 3 Điều 14 Luật Kiến trúc 2019.
* Mẫu hướng dẫn quy chế quản lý kiến trúc đô thị được quy định tại mục 1 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 85/2020/NĐ-CP.
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |