6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thủy sản

Đề án nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thủy sản đề ra mục tiêu đến năm 2025 là gì? Nhiệm vụ và giải pháp nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thủy sản là những gì? - Mai Lan (Đắk Nông)

6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thủy sản

6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thủy sản  (Hình từ internet)

Ngày 05/6/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 643/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về thủy sản. Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững ngành thủy sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế, góp phần đạt được các mục tiêu của Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

1. Mục tiêu trong năm 2025 về nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thủy sản

Cụ thể tại Mục 2 Điều 1 Quyết định 643/QĐ-TTg năm 2023 nêu rõ mục tiêu tiêu chung và mục tiêu cụ thể đến năm 2025 như sau:

Đối với mục tiêu chung: Năng lực quản lý nhà nước về thủy sản được nâng cao, đáp ứng, yêu cầu phát triển bền vững ngành thủy sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế, góp phần đạt được các mục tiêu của Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu đến năm 2025:

- Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành thủy sản được rà soát, sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, phát triển thủy sản bền vững. Các quy hoạch, chương trình, đề án, dự án thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được phê duyệt, bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả.

- Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thủy sản từ trung ương đến địa phương được kiện toàn, tổ chức, sắp xếp phù hợp với quy định của pháp luật liên quan, yêu cầu và nhu cầu quản lý nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

+ Địa vị pháp lý và tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ của văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại các tỉnh, thành phố thuộc trung ương ven biển có cảng cá do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định được xác định, củng cố, tăng cường để phục vụ hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước về xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản xuất khẩu.

+ Tăng cường hiệu quả hoạt động của các Ban quản lý khu bảo tồn biển, xây dựng và thực thi quy chế phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chuyên trách trong kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm và thực hiện các nhiệm vụ về bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản.

+ Kiểm ngư địa phương được thành lập, kiện toàn theo Luật Thủy sản năm 2017 và Đề án tổng thể phát triển lực lượng kiểm ngư đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Phân cấp quản lý nhà nước về thủy sản giữa các cơ quan, đơn vị ở trung ương và giữa trung ương với địa phương được thực hiện triệt để, rõ ràng, minh bạch theo hướng một đơn vị chịu trách nhiệm và thực hiện nhiều nhiệm vụ.

- Nguồn nhân lực tham gia trực tiếp vào hoạt động quản lý nhà nước về thủy sản được tăng cường về số lượng và chất lượng; có kỹ năng và kiến thức thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu vị trí việc làm.

- Cơ quan quản lý thủy sản thuộc Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố trực thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển hoặc các địa phương có ngành thủy sản phát triển ưu tiên bố trí ít nhất 01 biên chế có chuyên môn đào tạo về thủy sản để theo dõi và thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước.

- Công nghệ thông tin và chuyển đổi số được ứng dụng vào các hoạt động quản lý nhà nước ngành thủy sản để đảm bảo công tác chỉ đạo điều hành được thông suốt, kịp thời, hiệu quả từ trung ương đến địa phương.

2. 06 nhóm nhiệm vụ và giải pháp nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thủy sản

Để đạt được các mục tiêu đề ra, quyết định cũng nêu rõ 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp nâng cao năng lực quản lý nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thủy sản tại Mục 3 Điều 1 Quyết định 643/QĐ-TTg năm 2023 như sau:

(1) Hoàn thiện hệ thống thể chế pháp lý - kỹ thuật về thủy sản

- Lập kế hoạch xây dựng, rà soát văn bản pháp luật hàng năm, 05 năm để loại bỏ, sửa đổi những quy định không phù hợp hoặc bổ sung những quy định còn thiếu kịp thời phục vụ sản xuất và quản lý nhà nước về thủy sản. Gắn nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật đến các đối tượng có liên quan ngay trong quá trình xây dựng và sau khi được ban hành;

Thường xuyên tổ chức đánh giá, tổng kết việc triển khai, thực hiện các văn bản để kịp thời, điều chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế nếu có.

- Tổ chức triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả chiến lược, chương trình, đề án, dự án, chính sách liên quan đến lĩnh vực thủy sản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Xây dựng bộ tiêu chí và hướng dẫn để theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện chiến lược, quy hoạch, chương trình, đề án, dự án và các chính sách về thủy sản.

- Rà soát để thay thế, sửa đổi tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam, định mức kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực thủy sản không còn phù hợp với thực tiễn sản xuất và yêu cầu quản lý.

Tiến hành xây dựng mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam, định mức kinh tế kỹ thuật phục vụ phát triển sản xuất và quản lý, trong đó ưu tiên xây dựng cho các đối tượng nuôi mới, có giá trị, có tiềm năng phát triển; khu vực bến cá, cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão; khu vực thu gom xử lý chất thải, rác thải trong sản xuất; hệ thống kho lạnh; cơ sở hạ tầng nuôi biển ....

(2) Kiện toàn, củng cố cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản

- Tại trung ương

- Sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp trung ương phù hợp với Nghị định 105/2022/NĐ-CP quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động để quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tham mưu, quản lý nhà nước về thủy sản tại trung ương và địa phương; phân định rõ nhiệm vụ quản lý nhà nước và dịch vụ công.

- Nghiên cứu, xây dựng và áp dụng thử nghiệm các mô hình quản lý nhà nước về thủy sản phù hợp với điều kiện của từng địa phương và xu thế quản lý nghề cá của các nước tiên tiến trên thế giới.

- Xây dựng và áp dụng các tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực thủy sản làm căn cứ tổng kết và nâng cao chất lượng dịch vụ công.

- Tại địa phương

+ Sắp xếp tổ chức, bộ máy quản lý thủy sản tại địa phương theo các quy định của pháp luật có liên quan và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ, phù hợp với điều kiện của địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu quả và không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị.

+ Đánh giá hiệu quả hoạt động của các mô hình tổ chức quản lý ngành thủy sản tại địa phương để tổ chức, sắp xếp lại phù hợp với điều kiện thực tế trên nguyên tắc hiệu quả quản lý được cải thiện, nâng cao và toàn diện, đồng thời đảm bảo tinh gọn, không tăng số lượng biên chế.

Đối với các tỉnh/thành phố có ngành thủy sản phát triển, đóng góp lớn về khối lượng, giá trị và kim ngạch xuất khẩu, tổ chức cơ quan quản lý nhà nước thủy sản chuyên trách, có đủ thẩm quyền và nguồn nhân lực theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương;

Tại địa phương còn lại sẽ hình thành bộ phận chuyên môn để tham mưu, quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc thuộc Chi cục chuyên ngành với số lượng định biên và năng lực cán bộ theo đề án vị trí việc làm để đảm bảo đủ năng lực quản lý nhà nước chuyên ngành thủy sản.

+ Quan tâm, bố trí, sắp xếp ít nhất 01 cán bộ có chuyên môn về thủy sản theo dõi, quản lý tại các đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về thủy sản ở cấp huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương ven biển và địa phương khác có ngành Thủy sản phát triển.

+ Củng cố địa vị pháp lý văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định để thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá cập cảng phục vụ xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản xuất khẩu. Thành phần nhân sự và quy mô của văn phòng thực hiện theo các quy định liên quan, điều kiện thực tế của địa phương và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

+ Tăng cường hiệu quả hoạt động của các Ban quản lý khu bảo tồn biển; xây dựng và thực thi quy chế phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chuyên trách trong kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm và thực hiện các nhiệm vụ về bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

+ Thành lập kiểm ngư địa phương tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển theo Luật Thủy sản 2017 và Đề án tổng thể phát triển lực lượng kiểm ngư đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

(3) Phân cấp quản lý nhà nước về thủy sản

- Rà soát các văn bản phân cấp quản lý nhà nước giữa trung ương với địa phương và các đơn vị ở trung ương để điều chỉnh, bổ sung, điều chỉnh kịp thời, nhằm phát huy được năng lực quản lý nhà nước về thủy sản ở các cấp.

- Đẩy mạnh phân cấp cho cơ quan quản lý các cấp từ trung ương đến địa phương về quản lý thủy sản phù hợp với điều kiện của từng cơ quan, địa phương nhằm tăng cường sự chủ động trong bố trí nguồn lực, kinh phí và triển khai nhiệm vụ. Tăng cường phân cấp gắn liền với thanh tra, kiểm tra, giám sát, công tác hậu kiểm và trách nhiệm của người đứng đầu.

(4) Phát triển nguồn nhân lực quản lý nhà nước về thủy sản

- Xây dựng danh mục vị trí việc làm, biên chế, số người làm việc dựa trên các quy định của pháp luật, điều kiện đặc thù về ngành thủy sản của địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc xây dựng chương trình đào tạo đảm bảo cung cấp kiến thức toàn diện về quản lý nhà nước và kiến thức chuyên ngành thủy sản. Xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý về thủy sản các kỹ năng tham mưu, xây dựng, tổ chức triển khai chính sách, văn bản quy phạm pháp luật phục vụ quản lý nhà nước về thủy sản.

- Căn cứ các quy định pháp luật liên quan để xây dựng cơ chế thu hút cán bộ trẻ có trình độ cao tham gia công tác quản lý thủy sản bằng nhiều hình thức (thi tuyển, tiếp nhận không qua thi tuyển, xét tuyển); thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về thủy sản.

- Xây dựng kế hoạch luân chuyển, biệt phái công chức, viên chức thuộc các cơ quan quản lý thủy sản từ trung ương đến địa phương, từ cấp tỉnh về cấp huyện; luân chuyển, biệt phái giữa các cơ quan, đơn vị phù hợp với tình hình thực tế, năng lực, sở trường của cá nhân và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Gắn đào tạo, bồi dưỡng với công tác quy hoạch và bổ nhiệm. Đảm bảo đủ số lượng lãnh đạo quản lý các cấp để tham mưu, thực thi nhiệm vụ.

- Xây dựng các nhiệm vụ đặt hàng đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực khai thác thủy sản, kiểm ngư gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng lao động sau đào tạo; lựa chọn các sinh viên xuất sắc, có thành tích trong học tập, nghiên cứu để đào tạo, phát triển, tạo nguồn nhân lực quản lý trong lĩnh vực khai thác thủy sản, kiểm ngư.

- Tăng cường cử cán bộ quản lý tham dự các hội thảo quốc tế, khảo sát nước ngoài, hợp tác nghiên cứu với các đối tác quốc tế, tham gia các mạng lưới và diễn đàn quốc tế chuyên ngành... nhằm chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp nghiên cứu, chuyển giao công nghệ về thủy sản và nâng cao năng lực ngoại ngữ, năng lực hội nhập quốc tế.

- Thực hiện cơ cấu, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong ngành thủy sản theo vị trí việc làm, khung năng lực, đảm bảo đúng người, đúng việc, nâng cao chất lượng, hợp lý về cơ cấu.

(5) Áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thủy sản

- Đầu tư, kêu gọi, thu hút đầu tư để nâng cấp trang thiết bị, phương tiện làm việc cho cơ quan, công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thủy sản.

- Xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng, tích hợp phần mềm, hệ cơ sở dữ liệu quản lý chuyên ngành thủy sản gắn với việc phân cấp quản lý, truy cập khai thác, sử dụng phần mềm, hệ cơ sở dữ liệu quản lý chuyên ngành thủy sản từ trung ương tới địa phương.

- Kế thừa, phát triển và đầu tư, mở rộng, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin hiện có để phục vụ quản lý phù hợp với xu thế chung của quản lý nghề cá hiện đại trong khu vực và trên thế giới.

- Huy động nguồn lực từ các nguồn hợp pháp, ODA,... để đầu tư, nâng cấp phần mềm, cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ quản lý. Đảm bảo đầu tư đủ, dứt điểm, hoàn thiện từng hạng mục để khai thác hiệu quả nguồn đầu tư.

(6) Một số nhiệm vụ và giải pháp khác

- Tăng cường và đổi mới hình thức, phương pháp thanh tra, kiểm tra, giám sát chuyên ngành thủy sản phù hợp để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

- Xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức triển khai hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, thương mại thủy sản để phục vụ quản lý, sản xuất.

- Đổi mới hình thức kiểm soát, giám sát các nhiệm vụ khoa học công nghệ trong lĩnh vực thủy sản để nâng cao chất lượng sản phẩm khoa học công nghệ, đáp ứng yêu cầu quản lý, sản xuất.

Nguyễn Ngọc Quế Anh

1033 lượt xem



  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;