Tôi muốn biết có những đối tượng nào tham gia vào thị trường điện lực ở Việt Nam? - Thanh Sơn (Gia Lai)
08 đối tượng tham gia vào thị trường điện lực ở Việt Nam (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Theo khoản 1 Điều 18 Luật Điện lực 2004 (sửa đổi 2012), thị trường điện lực được hình thành và phát triển theo các cấp độ sau đây:
- Thị trường phát điện cạnh tranh;
- Thị trường bán buôn điện cạnh tranh;
- Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Các hoạt động trong thị trường điện lực phải đảm bảo các nguyên tắc được quy định tại Điều 17 Luật Điện lực 2004 (sửa đổi 2012), cụ thể như sau:
- Bảo đảm công khai minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, không phân biệt đối xử giữa các đối tượng tham gia thị trường điện lực.
- Tôn trọng quyền được tự chọn đối tác và hình thức giao dịch của các đối tượng mua bán điện trên thị trường phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực.
- Nhà nước điều tiết hoạt động của thị trường điện lực nhằm bảo đảm phát triển hệ thống điện bền vững, đáp ứng yêu cầu cung cấp điện an toàn, ổn định, hiệu quả.
Cụ thể tại Điều 19 Luật Điện lực 2004 (sửa đổi 2012), các đối tượng tham gia thị trường điện lực bao gồm:
(1) Đơn vị phát điện.
(2) Đơn vị truyền tải điện.
(3) Đơn vị phân phối điện.
(4) Đơn vị bán buôn điện.
(5) Đơn vị bán lẻ điện.
(6) Đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia.
(7) Đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực.
(8) Khách hàng sử dụng điện.
Các quy định chủ yếu về hoạt động giao dịch trên thị trường điện lực bao gồm:
- Quyền và nghĩa vụ của các đối tượng tham gia thị trường điện lực phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực;
- Đặc tính kỹ thuật của các trang thiết bị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện;
- Điều độ hệ thống điện quốc gia trong thị trường điện lực;
- Quy trình xử lý sự cố;
- Mua bán điện giao ngay trên thị trường điện lực;
- Chào giá và xác định giá thị trường;
- Lập hoá đơn và thanh toán giữa các đối tượng mua bán điện quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Điện lực 2004 (sửa đổi 2012) và các đơn vị cung cấp dịch vụ phụ trợ;
- Cung cấp các dịch vụ phụ trợ và giá dịch vụ phụ trợ;
- Xử lý vi phạm và giải quyết tranh chấp, khiếu nại về hoạt động mua bán điện và các dịch vụ phụ trợ trên thị trường điện lực;
- Cung cấp, công bố thông tin liên quan đến hoạt động, điều hành giao dịch trên thị trường điện lực.
(Khoản 1 Điều 20 Luật Điện lực 2004 (sửa đổi 2012))
Theo khoản 2 Điều 20 Luật Điện lực 2004 (sửa đổi 2012), các nội dung chủ yếu của điều hành giao dịch trên thị trường điện lực bao gồm:
- Kiểm soát hoạt động giao dịch của các đối tượng tham gia thị trường điện lực để bảo đảm cho thị trường hoạt động theo đúng các quy định về điều hành giao dịch thị trường, thoả thuận giữa các bên và các quy định khác của pháp luật;
- Công bố giá điện giao ngay và giá dịch vụ phụ trợ được quy định tại mục 4;
- Cung cấp các dịch vụ giao dịch và lập hoá đơn thanh toán đối với phần điện năng và công suất được mua bán theo hình thức giao ngay và các dịch vụ phụ trợ;
- Tiếp nhận và xử lý các kiến nghị liên quan đến hoạt động giao dịch mua bán điện trên thị trường điện lực để bảo đảm sự ổn định, hiệu quả và ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh;
- Cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động, điều hành giao dịch trên thị trường điện lực cho các bên liên quan;
- Báo cáo về hoạt động giao dịch mua bán điện trên thị trường điện lực với cơ quan điều tiết điện lực.
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |