05 bước trong quy trình luân chuyển cán bộ trong ngành Kiểm tra Đảng

05 bước trong quy trình luân chuyển cán bộ trong ngành Kiểm tra Đảng
Trần Thanh Rin

Tôi muốn biết quy trình luân chuyển cán bộ trong ngành Kiểm tra Đảng phải trải qua các bước như thế nào? – Yến Vy (Gia Lai)

05 bước trong quy trình luân chuyển cán bộ trong ngành Kiểm tra Đảng

05 bước trong quy trình luân chuyển cán bộ trong ngành Kiểm tra Đảng (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Thế nào là luân chuyển cán bộ trong ngành Kiểm tra Đảng?

Luân chuyển cán bộ trong ngành Kiểm tra Đảng là việc phân công, chỉ định, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ giữ chức danh lãnh đạo, quản lý tại nơi khác trong ngành Kiểm tra Đảng từ Trung ương đến cấp huyện trong một thời hạn nhất định để đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu, nhiệm vụ hoặc chức danh được quy hoạch.

(Khoản 1 Điều 3 Quy định 110-QĐ/TW năm 2023)

2. 05 bước trong quy trình luân chuyển cán bộ trong ngành Kiểm tra Đảng

Các bước trong quy trình luân chuyển cán bộ trong ngành Kiểm tra Đảng được quy định như sau:

Bước 1. Ủy ban Kiểm tra Trung ương ban hành kế hoạch luân chuyển cán bộ trong ngành Kiểm tra Đảng theo nhiệm kỳ, hằng năm.

Bước 2. Căn cứ nhu cầu luân chuyển cán bộ, cấp ủy trực thuộc Trung ương rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ trong ngành Kiểm tra Đảng của địa phương, cơ quan, đơn vị để xây dựng kế hoạch luân chuyển trình Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, cho chủ trương.

Bước 3. Ủy ban Kiểm tra Trung ương tổng hợp đề xuất của các địa phương, đơn vị và tiến hành rà soát tiêu chuẩn, tiêu chí và dự kiến địa bàn, chức danh, nhân sự luân chuyển.

Bước 4. Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì trao đổi với cấp ủy địa phương, đơn vị để dự kiến danh sách nhân sự, chức danh luân chuyển.

Bước 5. Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ chỉ đạo, tổ chức thực hiện các bước tiếp theo, cụ thể:

- Lấy ý kiến nhận xét, đánh giá đối với nhân sự dự kiến luân chuyển.

- Gửi văn bản lấy ý kiến thẩm định của các cơ quan liên quan, trao đổi với cơ quan nơi đi, cơ quan nơi đến về dự kiến địa bàn, chức danh và nhân sự dự kiến luân chuyển. Tổ chức gặp cán bộ để quán triệt mục đích, yêu cầu luân chuyển; nắm tâm tư, nguyện vọng và xác định trách nhiệm đối với cán bộ luân chuyển.

- Xem xét, quyết định và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện (công bố quyết định hoặc chỉ đạo bầu cử và các công việc cần thiết khác).

(Điều 7 Quy định 110-QĐ/TW năm 2023)

3. Thẩm quyền, trách nhiệm luân chuyển cán bộ trong ngành Kiểm tra Đảng

3.1. Thẩm quyền luân chuyển cán bộ trong ngành Kiểm tra Đảng

Cụ thể tại khoản 1 Điều 6 Quy định 110-QĐ/TW năm 2023 quy định về thẩm quyền luân chuyển cán bộ trong ngành Kiểm tra Đảng như sau:

- Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định luân chuyển cán bộ theo thẩm quyền; đề nghị cấp ủy liên quan xem xét việc quyết định luân chuyển cán bộ ủy ban kiểm tra, cán bộ cơ quan ủy ban kiểm tra của cấp ủy.

- Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện luân chuyển cán bộ theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ.

3.2. Trách nhiệm luân chuyển cán bộ trong ngành Kiểm tra Đảng

Trách nhiệm luân chuyển cán bộ trong ngành Kiểm tra Đảng được quy định như sau:

- Ủy ban Kiểm tra Trung ương chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện luân chuyển cán bộ và bố trí công tác đối với cán bộ sau luân chuyển theo thẩm quyền; kiểm tra, giám sát việc thực hiện luân chuyển cán bộ; định kỳ sơ kết, tổng kết công tác luân chuyển cán bộ trong ngành Kiểm tra Đảng.

- Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch và chỉ đạo, tổ chức luân chuyển cán bộ trên cơ sở kế hoạch của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; bố trí công tác đối với cán bộ sau luân chuyển theo thẩm quyền.

- Ủy ban kiểm tra cấp tỉnh, cấp huyện chịu trách nhiệm tham mưu cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy luân chuyển cán bộ theo thẩm quyền.

- Cơ quan nơi đi chịu trách nhiệm nhận xét, đánh giá cán bộ được đề xuất luân chuyển; phối hợp với cơ quan liên quan trong công tác quản lý và giữ mối liên hệ thường xuyên với cán bộ luân chuyển; tiếp nhận, bố trí hoặc đề xuất bố trí công tác đối với cán bộ sau luân chuyển.

- Cơ quan nơi đến chịu trách nhiệm thực hiện quyết định luân chuyển cán bộ của cấp có thẩm quyền; tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ luân chuyển rèn luyện, phát huy năng lực; quản lý cán bộ trong thời gian luân chuyển; phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu bố trí cán bộ sau luân chuyển.

- Cán bộ luân chuyển phải chấp hành nghiêm phân công của cấp có thẩm quyền, cơ quan nơi đi và nơi đến; tu dưỡng, rèn luyện, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chịu sự kiểm tra, giám sát, báo cáo kết quả công tác định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu.

- Cơ quan tham mưu công tác tổ chức - cán bộ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, của cấp ủy tỉnh, huyện và tương đương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cấp ủy, tổ chức đảng xây dựng kế hoạch; thẩm định, thẩm tra, rà soát đối với nhân sự luân chuyển; phối hợp với cơ quan có liên quan tham mưu nhận xét, đánh giá, bố trí cán bộ trước và sau luân chuyển.

(Khoản 2 Điều 6 Quy định 110-QĐ/TW năm 2023)

455 lượt xem



  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;