Các cơ quan nào thực hiện chức năng thanh tra?

Xin cho tôi hỏi theo quy định của pháp luật các cơ quan nào thực hiện chức năng thanh tra? - Quỳnh Thi (Đà Nẵng)

Các cơ quan nào thực hiện chức năng thanh tra?

Các cơ quan nào thực hiện chức năng thanh tra? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Các cơ quan nào thực hiện chức năng thanh tra?

Cụ thể tại Điều 9 Luật Thanh tra 2022 quy định các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra bao gồm:

(1) Cơ quan thanh tra theo cấp hành chính bao gồm:

- Thanh tra Chính phủ;

- Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Thanh tra tỉnh);

- Thanh tra quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Thanh tra huyện);

- Cơ quan thanh tra tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định.

(2) Cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực bao gồm:

- Thanh tra Bộ, cơ quan ngang Bộ (sau đây gọi chung là Thanh tra Bộ);

- Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ và tương đương (sau đây gọi chung là Thanh tra Tổng cục, Cục);

- Thanh tra sở.

(3) Cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ.

(4) Cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan cơ yếu Chính phủ.

(5) Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

2. Quy định về xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra

Căn cứ theo Điều 45 Luật Thanh tra 2022 quy định về xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra như sau:

- Việc xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra phải căn cứ vào Định hướng chương trình thanh tra, hướng dẫn của cơ quan thanh tra cấp trên, yêu cầu của nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và công tác quản lý thuộc phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực và địa phương.

- Kế hoạch thanh tra bao gồm kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ, kế hoạch thanh tra của Bộ và kế hoạch thanh tra của tỉnh.

Kế hoạch thanh tra của Bộ bao gồm các kế hoạch thanh tra của Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục; bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra giữa Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục.

Kế hoạch thanh tra của tỉnh bao gồm các kế hoạch thanh tra của Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở và Thanh tra huyện; bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra giữa Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở và Thanh tra huyện.

- Chậm nhất vào ngày 25 tháng 10 hằng năm, căn cứ vào Định hướng chương trình thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra của Bộ, kế hoạch thanh tra của tỉnh.

Chậm nhất vào ngày 30 tháng 10 hằng năm, căn cứ vào Định hướng chương trình thanh tra và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ hướng dẫn Thanh tra Tổng cục, Cục; Thanh tra tỉnh hướng dẫn Thanh tra sở, Thanh tra huyện xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra của cơ quan mình.

- Chậm nhất vào ngày 15 tháng 11 hằng năm, Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm ban hành kế hoạch thanh tra của cơ quan mình.

- Chậm nhất vào ngày 10 tháng 11 hằng năm, Thanh tra Tổng cục, Cục gửi dự thảo kế hoạch thanh tra của cơ quan mình đến Thanh tra Bộ để tổng hợp vào kế hoạch thanh tra của Bộ; Thanh tra sở, Thanh tra huyện gửi dự thảo kế hoạch thanh tra của cơ quan mình đến Thanh tra tỉnh để tổng hợp vào kế hoạch thanh tra của tỉnh.

- Chậm nhất vào ngày 30 tháng 11 hằng năm, Chánh Thanh tra Bộ trình Bộ trưởng ban hành kế hoạch thanh tra của Bộ; Chánh Thanh tra tỉnh trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành kế hoạch thanh tra của tỉnh.

Chậm nhất vào ngày 10 tháng 12 hằng năm, Bộ trưởng có trách nhiệm ban hành kế hoạch thanh tra của Bộ.

Chậm nhất vào ngày 20 tháng 12 hằng năm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành kế hoạch thanh tra của tỉnh.

- Kế hoạch thanh tra quy định tại khoản 4 và khoản 6 Điều 9 Luật Thanh tra 2022 được gửi ngay đến đối tượng thanh tra, cơ quan kiểm toán nhà nước và cơ quan, tổ chức có liên quan.

3. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra

Theo Điều 8 Luật Thanh tra 2022 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra gồm:

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn thanh tra để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; lạm quyền trong quá trình tiến hành thanh tra.

- Thanh tra không đúng thẩm quyền, không đúng với nội dung quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra đã được phê duyệt.

- Cố ý không ra quyết định thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật phải tiến hành thanh tra; bao che cho đối tượng thanh tra; cố ý kết luận sai sự thật; kết luận, quyết định, xử lý trái pháp luật; không kiến nghị khởi tố và chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện qua thanh tra đến cơ quan điều tra để xem xét, quyết định việc khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật.

- Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ trong hoạt động thanh tra.

- Tiết lộ thông tin, tài liệu liên quan đến cuộc thanh tra khi kết luận thanh tra chưa được công khai.

- Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thanh tra; tác động làm sai lệch kết quả thanh tra, kết luận, kiến nghị thanh tra.

- Không cung cấp thông tin, tài liệu hoặc cung cấp không kịp thời, không đầy đủ, không trung thực, thiếu chính xác; chiếm đoạt, tiêu hủy tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra.

- Chống đối, cản trở, mua chuộc, đe dọa, trả thù, trù dập người tiến hành thanh tra, người thực hiện giám sát, người thực hiện thẩm định, người cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; gây khó khăn cho hoạt động thanh tra.

- Hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của luật.

Hồ Quốc Tuấn

686 lượt xem



  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;