Giải pháp thực hiện Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050

Giải pháp thực hiện Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050
Nguyễn Thị Diễm My

Giải pháp thực hiện Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 gồm những gì? – Khánh Linh (Hà Nội)

Giải pháp thực hiện Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050

Giải pháp thực hiện Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Hình từ internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

Ngày 11/01/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 36/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Giải pháp thực hiện Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050

Theo đó, giải pháp thực hiện Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 bao gồm:

(1) Giải pháp về cơ chế, chính sách

- Nhóm giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách

Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để khuyến khích đổi mới, sáng tạo, huy động đa dạng nguồn lực phát triển hạ tầng, thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực thông tin, truyền thông và bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng.

- Nhóm giải pháp xây dựng cơ chế, chính sách về kích cầu nội địa

Xây dựng chính sách khuyến khích, thúc đẩy các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân sử dụng các nền tảng dịch vụ điện toán đám mây do doanh nghiệp Việt Nam cung cấp.

- Nhóm giải pháp thúc đẩy liên kết, phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông đồng bộ với các lĩnh vực khác

+ Xây dựng chính sách quy định phối hợp, chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông với các kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội để tăng hiệu quả đầu tư, sử dụng hiệu quả tài nguyên quốc gia.

+ Chính sách cho phép trung tâm dữ liệu được áp dụng cơ chế mua điện trực tiếp tại nguồn.

+ Chính sách khuyến khích và bắt buộc sử dụng các nền tảng số quốc gia dùng chung, thúc đẩy việc kết nối, liên thông dữ liệu nhằm nâng cao hiệu quả khai thác hạ tầng, tiết kiệm nguồn lực xã hội.

+ Triển khai Quy hoạch sử dụng đất quốc gia trong lĩnh vực thông tin và truyền thông nhằm bảo đảm sử dụng hiệu quả hạ tầng mạng bưu chính công cộng, hạ tầng trung tâm dữ liệu và các khu công nghệ thông tin tập trung giai đoạn 2021 - 2025 và các giai đoạn tiếp theo.

- Nhóm giải pháp bảo đảm quốc phòng, an ninh

+ Thống nhất nhận thức từ trung ương tới địa phương về bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó Ban Chỉ đạo An toàn, An ninh mạng quốc gia điều phối chung sự phối hợp giữa 4 lực lượng (các Bộ: Công an, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông và Ban Tuyên giáo Trung ương). Các lực lượng này chủ động, phối hợp thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Thường xuyên phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, coi đây là nhiệm vụ quan trọng của hệ thống chính trị.

+ Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, người dân, doanh nghiệp trong công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng. Người đứng đầu cấp ủy trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, chủ động rà soát, xác định rõ những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để chỉ đạo thực hiện hiệu quả. Phát huy sự tham gia có hiệu quả của quần chúng nhân dân trong công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng và chủ động ứng phó với các nguy cơ, thách thức từ không gian mạng.

+ Hình thành Thế trận An ninh nhân dân trên không gian mạng kết hợp chặt chẽ với Thế trận Quốc phòng toàn dân trên không gian mạng. Hoàn thiện chính sách bảo vệ an ninh quốc gia, lợi ích của của đất nước trên không gian mạng. Xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp lý làm cơ sở để phối hợp giữa các cơ quan thực thi nhiệm vụ của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, cơ quan quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông, trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh trong công tác đảm bảo an ninh, quốc phòng. Nghiên cứu, xây dựng ban hành cơ chế dùng chung các hạ tầng đảm bảo an toàn thông tin mạng, an ninh mạng giữa cơ quan quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị chức năng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

+ Nâng cao năng lực tự chủ về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng. Chú trọng huy động nguồn lực đa dạng để nâng cao năng lực nghiên cứu về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng an toàn thông tin mạng, an ninh mạng; thúc đẩy ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng, an ninh mạng phục vụ mục tiêu an ninh, quốc phòng theo hướng cho phép kết hợp với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội để nhanh chóng tiến tới làm chủ công nghệ cốt lõi trong an toàn thông tin mạng, an ninh mạng.

+ Bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng trong quá trình lựa chọn, triển khai các dịch vụ, công nghệ cho cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông; ưu tiên sử dụng sản phẩm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng Việt Nam. Có quy định bảo vệ các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia từ giai đoạn thiết kế, xây dựng, phát triển, vận hành và sử dụng. Bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng trong quá trình thiết kế, xây dựng, vận hành, khai thác cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông (bao gồm xây dựng các hệ thống chuyên dụng như Trung tâm An ninh mạng quốc gia,...).

+ Tổ chức cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện cho doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh để phát triển kinh tế kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

+ Huy động nguồn lực phục vụ phát triển an toàn thông tin mạng, an ninh mạng. Nhà nước bảo đảm kinh phí cho công tác an toàn thông tin mạng, an ninh mạng quốc gia; Bố trí kinh phí chi cho an toàn thông tin mạng, an ninh mạng đạt tối thiểu 10% kinh phí chi cho khoa học công nghệ, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin.

+ Chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật và triển khai các hoạt động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin, an ninh mạng; xây dựng đội ngũ nhà khoa học, kỹ sư, tài năng trẻ an toàn thông tin, an ninh mạng chất lượng cao. Triển khai Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực an ninh mạng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” và Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn 2021 - 2025”.

+ Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế trong đó ưu tiên hợp tác với các quốc gia là đối tác chiến lược, các tổ chức quốc tế lớn, có uy tín nhằm nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng, an ninh mạng trên trường quốc tế thông qua việc chủ động, tích cực, tham gia có trách nhiệm trong việc xây dựng các quy định chung, khuyến nghị về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng.

(2) Giải pháp về khoa học và công nghệ, môi trường

- Khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển, làm chủ các công nghệ mới như: Mạng viễn thông thế hệ mới, IoE (Internet of Everything), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và công nghệ chuỗi khối (blockchain)... hợp tác với các cơ sở nghiên cứu trong và ngoài nước, mua, nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến; khuyến khích, hỗ trợ hoạt động đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ,...

- Xây dựng hạ tầng số và kết nối băng rộng đến mọi người dân và doanh nghiệp; phát triển các nền tảng số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cung cấp công nghệ như dịch vụ như: các nền tảng số trí tuệ nhân tạo, IoT, phân tích dữ liệu, thanh toán số... để hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

- Ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về hạ tầng thông tin và truyền thông; Hướng dẫn kỹ thuật về kết nối, chia sẻ, sử dụng chung các nền tảng số quốc gia bảo đảm an toàn, sử dụng hiệu quả tài nguyên dữ liệu:

+ Áp dụng các công nghệ tiên tiến tại mạng bưu chính công cộng như: xếp dỡ tự động, nâng chuyển tự động, lưu bưu gửi tự động, phân loại, chia chọn tự động, hệ thống thiết bị IoT... nhằm hỗ trợ mạng bưu chính của các doanh nghiệp khác kết nối vào hệ thống, thống nhất toàn trình, tận dụng tối đa nguồn lực, giảm chi phí hậu cần quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cạnh tranh trong chuỗi cung ứng quốc tế.

+ Dừng triển khai công nghệ viễn thông di động thế hệ cũ theo lộ trình và quy hoạch lại băng tần số vô tuyến điện để sử dụng cho hệ thống di động thế hệ tiếp theo. Từ năm 2025 tập trung phát triển mạng thông tin di động thế hệ thứ 5 (5G). Phân bổ tài nguyên viễn thông (tần số, kho số, tên miền,...) theo cơ chế thị trường đủ để bảo đảm cung cấp chất lượng dịch vụ viễn thông ngang tầm khu vực và thế giới.

+ Nghiên cứu, lựa chọn tiêu chuẩn phát thanh số quốc gia theo tiêu chí tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng hiện có, giảm thiểu chi phí đầu tư và khai thác; phù hợp với quy hoạch sử dụng phổ tần số vô tuyến điện quốc gia của Việt Nam; phù hợp với khuyến cáo của các tổ chức phát thanh, truyền hình, viễn thông quốc tế; được các nước, các tổ chức, các đài phát thanh, truyền hình trên thế giới chấp nhận và áp dụng rộng rãi.

+ Quy định các thành phần của hạ tầng thông tin và truyền thông phải bảo đảm an toàn thông tin, đáp ứng các tiêu chí về phòng, chống thiên tai ngay từ khâu thiết kế, sản xuất, chế tạo.

+ Phát triển cơ sở hạ viễn thông, hạ tầng số phải đáp ứng, chịu đựng được cấp độ rủi ro thiên tai phù hợp với đặc thù thiên tai của từng vùng, địa phương để bảo đảm phát triển bền vững; góp phần phát triển ngành, phát triển kinh tế - xã hội và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

+ Áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn xanh khi đầu tư mới hoặc nâng cấp trung tâm dữ liệu để bảo đảm tiêu chí xanh và hiệu quả đầu tư trung tâm dữ liệu quốc gia được quy hoạch.

- Xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm nhằm phát triển các sản phẩm trọng điểm Make in Viet Nam phục vụ Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, chuyển đổi số, sản xuất thông minh, nông nghiệp thông minh...

(3) Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực

- Thực hiện các chương trình đào tạo nhân lực trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ.

- Ưu tiên phát triển các khu công nghệ thông tin tập trung gần các đô thị khoa học, các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu, các trung tâm dữ liệu lớn nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo sự gắn kết giữa nhà trường - doanh nghiệp - khu công nghệ thông tin tập trung.

- Nghiên cứu, ban hành các tiêu chí đổi mới chương trình đào tạo để thích ứng với sự phát triển của công nghệ, của ngành Thông tin và Truyền thông; xây dựng chương trình và kế hoạch đào tạo để bảo đảm nguồn lực đủ về số lượng và chất lượng.

(4) Giải pháp phát triển thị trường, dịch vụ

Tạo lập và quản lý tốt thị trường nhằm bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp có hạ tầng và không có hạ tầng, tạo động lực để doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong cung cấp dịch vụ thông tin và truyền thông.

(5) Giải pháp về huy động vốn đầu tư

- Giải pháp chung

+ Huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông. Tái cơ cấu đầu tư công theo hướng tập trung cho đầu tư hạ tầng thông tin và truyền thông. Phân bố nguồn vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các công trình động lực, có tính lan tỏa, kết nối giữa các phương thức, có tính đến cân đối giữa các vùng miền.

+ Sử dụng nguồn ngân sách nhà nước đầu tư các trung tâm dữ liệu quốc gia. Các trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp quốc gia và trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp vùng phục vụ đa mục tiêu do doanh nghiệp đầu tư. Các trung tâm dữ liệu khác sử dụng nguồn vốn phù hợp của chủ đầu tư, tuân thủ quy hoạch đã được phê duyệt.

+ Huy động nguồn lực xã hội trong việc xây dựng hạ tầng thông tin và truyền thông theo hướng các doanh nghiệp cùng đầu tư, sử dụng chung hạ tầng, đặc biệt là phát triển các nền tảng bưu chính số quốc gia, xây dựng các trung tâm bưu chính khu vực và vùng, hạ tầng băng rộng và các trung tâm dữ liệu; xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông thụ động dùng chung như: cột anten, cột treo cáp, cống, bể, cáp,… Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách về vốn, đầu tư, giải pháp công nghệ và mô hình kinh doanh phù hợp để thu hút đầu tư hạ tầng số, hạ tầng bưu chính. Ngoài doanh nghiệp bưu chính do Nhà nước chỉ định, huy động các doanh nghiệp có tiềm lực trên thị trường, các doanh nghiệp hiện đang tham gia vào phân khúc giao hàng chặng cuối.

+ Tổ chức thực hiện Quyết định 22/2021/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025.

+ Hỗ trợ kinh phí từ quỹ dịch vụ viễn thông công ích cho các hộ nghèo, cận nghèo, các hộ dân thuộc vùng khó khăn và các đối tượng chính sách xã hội khác có kết nối băng rộng, điện thoại thông minh. Hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp triển khai hạ tầng số tại khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Cải thiện mức độ dễ dàng sử dụng của mạng lưới thông tin và truyền thông ở các vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa.

+ Khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia xây dựng hệ thống truyền dẫn, phát sóng phát thanh số quốc gia, tiến tới hình thành thị trường truyền dẫn, phát sóng phát thanh số nhằm cung cấp các dịch vụ phát thanh chất lượng cao và các dịch vụ giá trị gia tăng theo hướng hội tụ công nghệ và đa phương tiện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thính giả.

- Giải pháp huy động vốn ngoài ngân sách

+ Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư hạ tầng thông tin và truyền thông theo các hình thức PPP, BT, BOT... Mở rộng hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm; khuyến khích, vinh danh các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho xây dựng hạ tầng thông tin và truyền thông, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Đổi mới, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài; có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng thông tin và truyền thông.

+ Ban hành cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông được tiếp cận tín dụng một cách thuận lợi. Nghiên cứu triển khai chương trình tín dụng ưu đãi (chương trình cho vay kích cầu đầu tư, cho vay với lãi suất ưu đãi) để đầu tư phát triển mới hạ tầng thông tin và truyền thông.

+ Tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận, sử dụng bình đẳng hạ tầng thông tin và truyền thông với chi phí hợp lý.

+ Thu hút đầu tư từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, quỹ đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước để xây dựng hệ sinh thái công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông và ưu tiên sử dụng các sản phẩm công nghiệp công nghệ thông tin Make in Viet Nam tại các khu công nghệ thông tin tập trung.

- Giải pháp về hợp tác quốc tế

+ Chủ động, tích cực tham gia hoạt động của các tổ chức quốc tế và khu vực liên quan đến phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông mà Việt Nam là thành viên; sẵn sàng phát huy vai trò đi đầu trong những lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh; tham gia chủ động, tích cực vào việc xây dựng các khuôn khổ pháp lý, tiêu chuẩn, nguyên tắc quốc tế mới về hạ tầng thông tin và truyền thông phù hợp với mục tiêu và lợi ích của Việt Nam.

+ Hợp tác quốc tế để bắt kịp các xu thế phát triển trên thế giới, kinh nghiệm quản lý, phát triển trong lĩnh vực hạ tầng thông tin và truyền thông trên thế giới.

+ Xúc tiến đầu tư, tập trung thúc đẩy thu hút các tập đoàn công nghệ lớn từ các đối tác chiến lược trong số các cường quốc về thông tin và truyền thông.

+ Xây dựng chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và triển khai các cam kết về công nghệ thông tin trong các hiệp định thương mại trong tương lai mà Việt Nam tham gia.

- Giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát quy hoạch

+ Tổ chức công bố công khai quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhân dân khi triển khai thực hiện.

+ Phối hợp đồng bộ, chặt chẽ quá trình thực hiện quy hoạch giữa trung ương và địa phương, bảo đảm các quy hoạch địa phương phải tuân thủ các định hướng của quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông; phối hợp giữa các bộ, ngành để xử lý các vấn đề liên ngành, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và hiệu quả của quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông.

+ Thực hiện quản lý quy hoạch dựa trên dữ liệu. Tổ chức việc thống kê, thu thập số liệu chính xác, phân tích, dự báo chính xác sự phát triển của thị trường. Định kỳ hàng năm rà soát việc triển khai quy hoạch, các nội dung liên quan đến ngành trong quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương. Kịp thời đề xuất bảo đảm thực hiện, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung quy hoạch.

+ Kết nối với hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác theo Điều 41 của Luật Quy hoạch 2017.

830 lượt xem



  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;