Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước là cơ quan gì? Trung tâm trợ giúp pháp lý có những hoạt động gì? – Thành Vũ (Gia Lai)
- Hồ sơ, thủ tục đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý
- Quy định về việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại trong trợ giúp pháp lý
Quy định về Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước (Hình từ internet)
1. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước là gì?
- Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tư pháp, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, có tư cách pháp nhân, có con dấu, trụ sở và tài khoản riêng.
- Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có thể có Chi nhánh.
Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, được thành lập tại các huyện ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, giao thông không thuận tiện đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và chưa có tổ chức hành nghề luật sư hoặc tổ chức tư vấn pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý.
Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của Chi nhánh.
Căn cứ nhu cầu và điều kiện thực tế tại địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.
(Điều 11 Luật Trợ giúp pháp lý 2017)
2. Tổ chức và hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước
Tổ chức và hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước được quy định tại Điều 3 Nghị định 144/2017/NĐ-CP như sau:
- Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước (sau đây gọi chung là Trung tâm) có Giám đốc, Phó Giám đốc, Trợ giúp viên pháp lý, viên chức và người lao động khác. Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm phải là Trợ giúp viên pháp lý.
- Giám đốc Trung tâm, Phó Giám đốc Trung tâm do Giám đốc Sở Tư pháp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.
Giám đốc Trung tâm là người đứng đầu Trung tâm và là người đại diện theo pháp luật của Trung tâm, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Tư pháp và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Trung tâm.
Phó Giám đốc Trung tâm phụ trách một hoặc một số lĩnh vực công tác do Giám đốc Trung tâm phân công và chịu trách nhiệm trước Giám đốc Trung tâm về kết quả công tác được giao.
- Trung tâm có thể có các bộ phận chuyên môn thích hợp để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập.
3. Số lượng người làm việc, cơ sở vật chất của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước
- Căn cứ vào khối lượng công việc, tính chất, đặc điểm hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, yêu cầu của công tác trợ giúp pháp lý tại địa phương và theo đề xuất của Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định số lượng người làm việc của Trung tâm và bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện làm việc thích hợp cho Trung tâm.
- Việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức, người lao động của Trung tâm thực hiện theo quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức, người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
- Trung tâm được sử dụng kinh phí nghiệp vụ để phục vụ việc thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý và các hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý.
(Điều 10 Nghị định 144/2017/NĐ-CP)
4. Tiêu chuẩn bổ nhiệm, cách chức Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước
- Trợ giúp viên pháp lý có đủ các tiêu chuẩn sau đây thì được đề nghị bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm:
+ Có ít nhất 03 năm là Trợ giúp viên pháp lý hoặc thẩm phán hoặc kiểm sát viên, điều tra viên trung cấp trở lên hoặc có 05 năm làm công tác quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý trong ngành Tư pháp;
+ Có đủ điều kiện, tiêu chuẩn đối với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp theo quy định của pháp luật.
- Giám đốc Trung tâm bị cách chức khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Có một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Trợ giúp pháp lý 2017;
+ Vi phạm nghiêm trọng quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý;
+ Bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
(Điều Nghị định 144/2017/NĐ-CP)
Diễm My
- Key word:
- Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước