Trường hợp, điều kiện sử dụng đường phố không nhằm mục đích giao thông

Theo Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định đường phố chỉ được sử dụng vào mục đích giao thông. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp được sử dụng tạm thời đường phố không nhằm mục đích giao thông.

Trường hợp, điều kiện sử dụng đường phố không nhằm mục đích giao thông (Ảnh minh họa)

Đường phố là đường đô thị, gồm lòng đường và hè phố (vỉa hè).

1. Sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông

1.1. Trường hợp được sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông

Hè phố được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông trong các trường hợp dưới đây:

- Tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 30 ngày; trường hợp thời gian sử dụng tạm thời lớn hơn 30 ngày phải được Bộ Giao thông vận tải (đối với quốc lộ) hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với các hệ thống đường địa phương) chấp thuận;

- Tổ chức đám tang và điểm trông, giữ xe phục vụ đám tang của hộ gia đình; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ, trường hợp đặc biệt không được quá 72 giờ;

- Tổ chức đám cưới và điểm trông, giữ xe phục vụ đám cưới của hộ gia đình; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ;

- Điểm trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá thời gian tổ chức hoạt động văn hóa đó;

- Điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của hộ gia đình; thời gian sử dụng từ 22 giờ đêm ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.

1.2. Điều kiện sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông

- Việc sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông, không được gây mất trật tự, an toàn giao thông.

- Tuẩn thủ thời gian sử dụng đối với mỗi trường hợp như mục (1.1)

- Vị trí hè phố được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông phải đáp ứng đủ các điều kiện dưới đây:

+ Phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5 mét;

+ Hè phố có kết cấu chịu lực phù hợp với trường hợp được phép sử dụng tạm thời.

- Đối với trường hợp sử dụng hè phố để tổ chức đám cưới, đám tang thì hộ gia đình phải thông báo với Ủy ban nhân dân cấp xã sở tại trước khi sử dụng tạm thời một phần hè phố.

Đối với các trường hợp sử dụng hè phố để: Tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; Điểm trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội; Điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của hộ gia đình, thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định thủ tục hành chính về cho phép sử dụng tạm thời hè phố.

2. Sử dụng tạm thời một phần lòng đường không vào mục đích giao thông

2.1. Trường hợp được sử dụng tạm thời một phần lòng đường không vào mục đích giao thông

Lòng đường được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông trong các trường hợp dưới đây:

- Điểm trông, giữ xe ô tô phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội; thời gian sử dụng tạm thời lòng đường không quá thời gian tổ chức hoạt động đó;

- Điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; thời gian sử dụng từ 22 giờ đêm ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.

2.2. Điều kiện sử dụng tạm thời một phần lòng đường không vào mục đích giao thông

- Việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường không vào mục đích giao thông không được gây mất trật tự, an toàn giao thông.

- Tuẩn thủ thời gian sử dụng đối với mỗi trường hợp như mục (2.1)

- Vị trí lòng đường được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông phải đáp ứng đủ các điều kiện dưới đây:

+ Không thuộc tuyến quốc lộ đi qua đô thị;

+ Phần lòng đường còn lại dành cho các loại phương tiện có bề rộng tối thiểu bố trí đủ 02 làn xe cho một chiều đi;

+ Lòng đường có kết cấu chịu lực phù hợp với trường hợp được phép sử dụng tạm thời.

- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định thủ tục hành chính về cho phép sử dụng tạm thời lòng đường.

3. Tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội trên đường bộ

Tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội trên đường bộ thực hiện theo quy định sau đây:

- Cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng đường bộ để tiến hành hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền thống nhất bằng văn bản về phương án bảo đảm giao thông trước khi xin phép tổ chức các hoạt động trên theo quy định của pháp luật;

- Trường hợp cần hạn chế giao thông hoặc cấm đường thì cơ quan quản lý đường bộ phải ra thông báo phương án phân luồng giao thông; cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng đường bộ quy định tại điểm a khoản 1 Điều này phải thực hiện việc đăng tải thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ;

- Ủy ban nhân dân nơi tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan chức năng của địa phương tổ chức việc phân luồng, bảo đảm giao thông tại khu vực diễn ra hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội.

(Khoản 1 Điều 35 Luật Giao thông đường bộ 2008, khoản 4 Điều 1 Nghị định 100/2013/NĐ-CP)

Diễm My

1409 lượt xem
  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;