Bộ Y tế trả lời kiến nghị của cử tri về nghiên cứu, có quy định tăng mức xử phạt đối với các trường hợp vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Kiến nghị tăng mức xử phạt vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm (Hình từ Internet)
Cử tri phản ánh, hiện nay tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm đang là một trong những vấn đề nóng, phức tạp, với nhiều vụ việc như rau, quả phun thuốc kích thích, sử dụng hóa chất; thịt gia súc, gia cầm bẩn, không đảm bảo vệ sinh, các loại thức uống pha trộn hóa chất có hại cho sức khỏe của người dân... Cử tri kiến nghị nghiên cứu, có quy định tăng mức xử phạt đối với các trường hợp vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tại Công văn 5921/BYT-VPB1 ngày 30/9/2024, Bộ Y tế cho rằng trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm luôn được Đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt. Các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đã cơ bản hoàn thiện, đặc biệt Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, với nhiều cơ chế mới quản lý an toàn thực phẩm (quản lý dựa trên nguy cơ, chuyển mạnh sang hậu kiểm, phân công rõ ràng trách nhiệm quản lý...) phù hợp với thông lệ quốc tế. Về chế tài xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm, hiện nay đã có đầy đủ các quy định của pháp luật để quản lý an toàn thực phẩm, cụ thể:
- Về xử lý hành chính, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm thay thế Nghị định 178/2013/NĐ-CP, quy định hành vi cụ thể, rõ ràng, chỉ quy định hình thức xử phạt chính là phạt tiền, không quy định hình thức cảnh cáo, phạt nhiều hành vi/1 cơ sở vi phạm, mức xử phạt tăng ở tất cả các hành vi, mức phạt tiền tối đa đến 07 lần giá trị hàng hóa vi phạm; quy định nhiều hành vi bị xử phạt bổ sung: đình chỉ hoạt động có thời hạn, tước quyền sử dụng giấy phép, buộc tiêu hủy, thu hồi thực phẩm, buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, buộc nộp lại số tiền bằng giá trị tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn..., các hành vi vi phạm đã quy định tăng nặng đối với những trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
- Về xử lý hình sự, Bộ Y tế cùng các bộ, ngành phối hợp với Bộ Công an trình Quốc hội ban hành Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017, trong đó có Điều 317 về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm với khung hình phạt đến 20 năm cho tội danh này.
Thực hiện Kết luận 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV; Kế hoạch 81/KH-UBTVQH ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV; Quyết định 53/QĐ-TTg ngày 15/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình công tác năm 2024 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hiện Bộ Y tế đã phối hợp với các đơn vị có liên quan hoàn thiện hồ sơ Lập đề nghị xây dựng dự án Luật An toàn thực phẩm sửa đổi: (1) Báo cáo tổng kết 12 năm thi hành Luật An toàn thực phẩm; (2) Báo cáo đánh giá tác động của chính sách nội dung sửa đổi, bổ sung; (3) Tờ trình đề nghị xây dựng Luật an toàn thực phẩm sửa đổi; (4) Đề cương chi tiết Luật An toàn thực phẩm sửa đổi
Thực hiện quy trình, thủ tục theo quy định tại Điều 36 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và để đảm bảo tiến độ trình Chính phủ trong tháng 12/2024, hiện Bộ Y tế đã đăng tải lên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế để xin ý kiến rộng rãi, đồng thời gửi Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài Chính, Bộ Nội vụ và các Bộ có liên quan, các hiệp hội để xin ý kiến góp ý; trình Chính phủ Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật An toàn thực phẩm sửa đổi trong năm 2024.
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |