Đẩy nhanh lộ trình cải cách chính sách thuế theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 là nội dung được đề cập tại Nghị quyết 98/NQ-CP ngày 26/6/2024.
Đẩy nhanh lộ trình cải cách chính sách thuế theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 (Hình từ Internet)
Ngày 26/6/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết 98/NQ-CP Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đây là nội dung trọng tâm trong nhiệm vụ, giải pháp “Tăng cường công tác quản lý nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn lực quốc gia”.
Cụ thể, chi tiết của nhiệm vụ, giải pháp trên như sau:
(1) Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
- Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn lực quốc gia, nhất là trong quản lý, sử dụng tài nguyên, ngân sách nhà nước và tài sản công.
- Tăng cường công tác quản lý thuế, đẩy nhanh lộ trình cải cách chính sách thuế theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 508/QĐ-TTg năm 2022.
- Nâng cao chất lượng công tác dự báo, lập, thẩm định dự toán thu, chi ngân sách nhà nước; bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư công để nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.
- Có phương án giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA, dự án BOT, BT hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn; các ngân hàng thương mại yếu kém; các dự án ngừng triển khai theo kết luận của các cơ quan chức năng, sớm đưa các tài sản này vào phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
- Khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững đối với đất đai, tài nguyên, khoáng sản, giảm thiểu thất thoát, lãng phí, tác động tiêu cực đến môi trường.
- Tăng cường công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, nguồn lực quốc gia...; nêu cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý nhà nước, người đứng đầu đối với việc gây thất thoát, lãng phí ngân sách, tài sản công.
- Đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; thực hiện nghiêm chủ trương, mục tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2021 - 2026; tiếp tục hoàn thiện vị trí việc làm gắn với biên chế của khu vực công, tiết kiệm ngân sách nhà nước chi cho bộ máy, con người.
- Tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, cải cách hành chính, xã hội hoá cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.
- Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tập trung lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra lãng phí, tiêu cực, nơi có nhiều đơn, thư, khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm, bức xúc.
- Kịp thời phát hiện, phòng ngừa, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực; thực hiện nghiêm kết luận, kiến nghị của các cơ quan chức năng, thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước.
(2) Phân công trách nhiệm
- Bộ Tài chính:
+ Tăng cường công tác quản lý thuế, đẩy nhanh lộ trình cải cách chính sách thuế theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 508/QĐ-TTg năm 2022.
+ Nâng cao chất lượng công tác dự báo; lập, thẩm định dự toán thu, chi ngân sách nhà nước.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
+ Đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
+ Đề xuất phương án giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA, dự án BOT, BT hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn; các dự án ngừng triển khai theo kết luận của các cơ quan chức năng, sớm đưa các tài sản này vào phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội (thời gian thực hiện 2023 - 2025).
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:
Đề xuất phương án xử lý đối với các ngân hàng thương mại yếu kém để bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống theo Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 689/QĐ-TTg năm 2022.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường:
Đề xuất các biện pháp, giải pháp để khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững đối với đất đai, tài nguyên, khoáng sản, giảm thiểu thất thoát, lãng phí, tác động tiêu cực đến môi trường.
- Bộ Nội vụ:
Đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện nghiêm chủ trương, mục tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2021 - 2026; tiếp tục hoàn thiện vị trí việc làm gắn với biên chế của khu vực công, tiết kiệm ngân sách nhà nước chi cho bộ máy, con người.
- Thanh tra Chính phủ và thanh tra của các bộ, ngành, địa phương:
+ Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tập trung lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra lãng phí, tiêu cực, nơi có nhiều đơn, thư, khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm, bức xúc.
+ Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên đề về thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
- Các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
+ Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn lực quốc gia, nhất là trong quản lý, sử dụng tài nguyên, ngân sách nhà nước và tài sản công.
+ Nâng cao chất lượng công tác dự báo; lập, thẩm định dự toán thu, chi ngân sách nhà nước.
+ Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đầu tư công trung hạn của bộ, cơ quan trung ương và Kế hoạch đầu tư công trung hạn của các cấp chính quyền địa phương, bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư công. Tập trung rà soát, kiên quyết loại bỏ những dự án kém hiệu quả, dự án chưa thật sự cần thiết, cấp bách, ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm, cấp bách, tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững. Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư và tổ chức thực hiện dự án, hạn chế phải điều chỉnh trong quá trình triển khai, bảo đảm hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô, tổng mức đầu tư của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực và quy định của pháp luật.
+ Khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững đối với đất đai, tài nguyên, khoáng sản, giảm thiểu thất thoát, lãng phí, tác động tiêu cực đến môi trường.
+ Tăng cường công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, nguồn lực quốc gia...; nêu cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý nhà nước, người đứng đầu đối với việc gây thất thoát, lãng phí ngân sách, tài sản công.
+ Đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; tiếp tục hoàn thiện vị trí việc làm tại các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
+ Tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, cải cách hành chính, xã hội hoá cung ứng dịch vụ sự nghiệp công
+ Kịp thời phát hiện, phòng ngừa, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực; thực hiện nghiêm kết luận, kiến nghị của các cơ quan chức năng, thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước.
Xem thêm tại Nghị quyết 98/NQ-CP ngày 26/6/2024.
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |