Xin cho tôi hỏi Thủ tướng Chính phủ ra quyết định cấp hơn 7 nghìn tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các địa phương để cứu đói cho Nhân dân dịp Tết đúng không? - Thanh Hải (Phú Yên)
Cấp hơn 7 nghìn tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các địa phương để cứu đói cho Nhân dân dịp Tết (Hình từ internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Ngày 02/02/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 141/QĐ-TTg về việc xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các địa phương dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và giáp hạt năm 2024.
Theo đó, giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 7.315,335 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các địa phương để cứu đói cho Nhân dân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và dịp giáp hạt năm 2024, cụ thể:
- Xuất cấp 5.704,365 tấn gạo để cứu đói Nhân dân dịp Tết nguyên đán:
+ Tỉnh Cao Bằng: 666,015 tấn gạo.
+ Tỉnh Bình Định: 170,85 tấn gạo.
+ Tỉnh Gia Lai: 606,675 tấn gạo.
+ Tỉnh Nghệ An: 1.080,255 tấn gạo.
+ Tỉnh Bạc Liêu: 483,735 tấn gạo.
+ Tỉnh Đắk Nông: 317,85 tấn gạo.
+ Tỉnh Ninh Thuận: 982,05 tấn gạo.
+ Tỉnh Đắk Lắk: 920,13 tấn gạo.
+ Tỉnh Bình Phước: 476,805 tấn gạo.
- Xuất cấp 1.610,97 tấn gạo để cứu đói cho Nhân dân dịp giáp hạt 2024:
+ Tỉnh Gia Lai: 588,375 tấn gạo.
+ Tỉnh Đắk Nông: 315,825 tấn gạo.
+ Tỉnh Đắk Lắk: 706,77 tấn gạo.
Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xử lý cụ thể theo quy định; theo chức năng, nhiệm vụ được giao chịu trách nhiệm về căn cứ, thông tin, số liệu báo cáo. UBND tỉnh các tỉnh: Cao Bằng, Bình Định, Gia Lai, Nghệ An, Bạc Liêu, Đắk Nông, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Bình Phước chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo và thực hiện hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, đúng định mức theo quy định trong dịp Tết Nguyên đán và dịp giáp hạt năm 2024.
Quyết định 141/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/02/2024.
Theo Điều 34 Luật dự trữ quốc gia 2012 quy định trường hợp nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia như sau:
2.1 Nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia trong các tình huống sau đây:
- Khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) công bố dịch bệnh xảy ra tại địa phương;
- Phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, cứu đói;
- Khi giá cả thị trường tăng, giảm đột biến;
- Đáp ứng yêu cầu quốc phòng, an ninh.
2.2 Nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia trong tình huống đột xuất, cấp bách
Trong tình huống đột xuất, cấp bách theo quy định tại khoản 8 Điều 4 Luật dự trữ quốc gia 2012, thẩm quyền quyết định nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia được thực hiện như sau:
- Thủ tướng Chính phủ quyết định khẩn cấp việc nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia;
- Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia theo quy định sau:
+ Tạm xuất vật tư, thiết bị dự trữ quốc gia để phục vụ kịp thời nhiệm vụ phát sinh; sau khi hoàn thành nhiệm vụ phải thu hồi ngay để báo dưỡng, nhập lại kho dự trữ quốc gia và bảo quản theo quy định hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định xử lý;
+ Nhập, xuất cấp ngay hàng dự trữ quốc gia có giá trị tương ứng với thẩm quyền quyết định chi ngân sách của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định tại Luật ngân sách nhà nước 2015 để phục vụ kịp thời cho mỗi nhiệm vụ phát sinh;
+ Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải quản lý, sử dụng đúng mục đích, đối tượng; báo cáo Thủ tướng Chính phủ, thông báo cho Bộ Tài chính trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày quyết định nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia và chịu trách nhiệm về quyết định của mình;
+ Bộ Tài chính kiểm tra việc nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia quy định, báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý kịp thời đối với trường hợp vi phạm và chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra.
2.3 Nhập, xuất, luân phiên đổi hàng dự trữ quốc gia theo chỉ tiêu kế hoạch được giao
- Nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia theo kế hoạch, luân phiên đổi hàng dự trữ quốc gia được thực hiện hằng năm. Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia lập kế hoạch nhập, xuất, luân phiên đổi hàng dự trữ quốc gia gửi Bộ Tài chính để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
- Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch nhập, xuất, luân phiên đổi hàng dự trữ quốc gia; trường hợp chưa thực hiện xong trong năm kế hoạch, báo cáo Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
- Trường hợp do giá thay đổi khi xuất bán để luân phiên đổi hàng mà số tiền thu được không mua đủ số lượng hàng theo kế hoạch được duyệt, bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia mua số lượng hàng tương ứng với số tiền thu được.
- Trường hợp mua hàng dự trữ quốc gia mang tính thời vụ, trường hợp luân phiên đổi hàng phải mua nhập hàng mới trước khi xuất bán hàng cũ, Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét, quyết định việc cho tạm ứng ngân sách nhà nước để mua hàng; bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia có trách nhiệm hoàn trả số tiền đã tạm ứng trong năm kế hoạch.
2.4 Nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia trong các trường hợp khác
Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia quyết định việc nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia trong các trường hợp khác, bao gồm:
- Xuất hàng dự trữ quốc gia khi thanh lý, tiêu hủy;
- Nhập hàng dự trữ quốc gia đối với số lượng hàng khi kiểm kê thực tế lớn hơn so với sổ kế toán.
Nguyễn Ngọc Quế Anh
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |