Mở rộng phạm vi thực hiện dân chủ ở cơ sở; Bổ sung thêm đối tượng báo cáo trong phòng, chống rửa tiền; … là những nội dung sẽ có trong văn bản nổi bật tuần vừa qua (từ ngày 12/12 - 18/12/2022).
1. Mở rộng phạm vi thực hiện dân chủ ở cơ sở
Quốc hội thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 ngày 10/11/2022, có hiệu lực từ ngày 01/07/2023.
Trong đó, quy định về phạm vi thực hiện dân chủ ở cơ sở như sau:
- Mọi công dân thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn, tại thôn, tổ dân phố nơi mình cư trú.
- Công dân là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị nơi mình công tác.
Trường hợp cơ quan, đơn vị có đơn vị trực thuộc thì việc thực hiện dân chủ tại đơn vị trực thuộc của cơ quan, đơn vị do người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết định.
- Công dân là người lao động thực hiện dân chủ tại tổ chức có sử dụng lao động nơi mình có giao kết hợp đồng lao động.
Trường hợp tổ chức có sử dụng lao động có đơn vị trực thuộc thì việc thực hiện dân chủ tại đơn vị trực thuộc thực hiện theo quy định tại điều lệ, nội quy, quy định, quy chế của tổ chức có sử dụng lao động và pháp luật có liên quan.
(Hiện hành, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn 2007 và Nghị quyết 55/NQ-UBTVQH10 chỉ quy định về thực hiện dân chủ ở cấp xã, thôn, tổ dân phố và cơ quan hành chính nhà nước).
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 có hiệu lực từ ngày 01/7/2023, thay thế Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn 2007 và Nghị quyết 55/NQ-UBTVQH10 ngày 30/08/1998.
2. Bổ sung thêm đối tượng báo cáo trong phòng, chống rửa tiền
Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 ngày 15/11/2022.
Theo đó, các đối tượng báo cáo trong phòng, chống rửa tiền, bao gồm:
- Đối tượng báo cáo là tổ chức tài chính được cấp giấy phép thực hiện một hoặc một số hoạt động sau:
+ Nhận tiền gửi;
+ Cho vay;
+ Cho thuê tài chính;
+ Dịch vụ thanh toán;
+ Dịch vụ trung gian thanh toán;
(So với Luật Phòng, chống rửa tiền 2012, bổ sung thêm đối tượng là dịch vụ trung gian thanh toán).
+ Phát hành công cụ chuyển nhượng, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, lệnh chuyển tiền, tiền điện tử;
+ Bảo lãnh ngân hàng và cam kết tài chính;
+ Cung ứng dịch vụ ngoại hối, các công cụ tiền tệ trên thị trường tiền tệ;
+ Môi giới chứng khoán; tư vấn đầu tư chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán;
(So với Luật Phòng, chống rửa tiền 2012, bổ sung thêm đối tượng là môi giới chứng khoán).
+ Quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán;
(Đối tượng mới bổ sung so với Luật Phòng, chống rửa tiền 2012).
+ Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ;
+ Đổi tiền.
- Đối tượng báo cáo là tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật thực hiện một số hoạt động sau:
+ Kinh doanh trò chơi có thưởng, casino, bao gồm trò chơi điện tử có thưởng; trò chơi trên mạng viễn thông, mạng Internet; casino; xổ số; đặt cược.
+ Kinh doanh bất động sản, trừ hoạt động cho thuê, cho thuê lại bất động sản và dịch vụ tư vấn bất động sản;
+ Kinh doanh kim loại quý và đá quý;
+ Kinh doanh dịch vụ kế toán; cung cấp dịch vụ công chứng; cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề của luật sư;
+ Cung cấp dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp; cung cấp dịch vụ giám đốc, thư ký công ty cho bên thứ ba; cung cấp dịch vụ thỏa thuận pháp lý.
Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 có hiệu lực từ ngày 01/3/2023, thay thế Luật Phòng, chống rửa tiền 2012.
3. Danh mục văn bản hướng dẫn 06 luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4
Ngày 12/12/2022, Thủ tướng ban hành Quyết định 1529/QĐ-TTg về Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản hướng dẫn các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4.
Theo đó, sẽ có 11 văn bản hướng dẫn 06 luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4, đơn cử như:
- Đối với Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 (có hiệu lực từ 01/7/2023) sẽ có 02 Nghị định hướng dẫn:
+ Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022;
+ Nghị định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.
- Đối với Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 (có hiệu lực từ ngày 01/03/2023) có 03 văn bản hướng dẫn:
+ Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền 2022;
+ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo;
+ Thông tư của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện một số quy định về phòng, chống rửa tiền.
Xem thêm nội dung tại Quyết định 1529/QĐ-TTg có hiệu lực kể từ ngày 12/12/2022.
4. Ban hành quy trình kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với đảng viên
Đây là nội dung được đề cập tại Quyết định 89-QĐ/TW ngày 01/12/2022 về ban hành quy trình kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, giải quyết tố cáo, khiếu nại kỷ luật đảng của cấp uỷ tỉnh và tương đương đến cơ sở.
Theo đó, quy trình kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng, đảng viên gồm có 03 bước: bước chuẩn bị, bước tiến hành, bước kết thúc.
Trong đó, bước chuẩn bị trong quy trình kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng, đảng viên được thực hiện như sau:
- Thành lập đoàn kiểm tra và xây dựng kế hoạch kiểm tra:
+ Uỷ ban kiểm tra hoặc cơ quan, đơn vị giúp việc cấp uỷ căn cứ kết quả kiểm tra, giám sát, nắm tình hình hoặc nhiệm vụ cấp trên giao để tham mưu thành lập đoàn kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng, đảng viên (sau đây gọi là đối tượng kiểm tra); kế hoạch kiểm tra.
+ Thường trực cấp uỷ ký, ban hành quyết định, kế hoạch kiểm tra.
Trưởng đoàn kiểm tra là cấp uỷ viên do ban thường vụ phân công, nơi không có ban thường vụ thì do cấp uỷ phân công (đối với cấp cơ sở và tương đương: Trưởng đoàn có thể là lãnh đạo các đơn vị hoặc đảng viên được giao nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cấp uỷ).
Căn cứ tính chất, nội dung, quy mô kiểm tra để xác định số lượng thành viên cho phù hợp.
Kế hoạch kiểm tra xác định rõ về nội dung, mốc thời gian kiểm tra; thời gian làm việc, phương pháp tiến hành, ... Trong đó:
+ Thời gian kiểm tra đối với cấp tỉnh và tương đương không quá 90 ngày; cấp huyện và tương đương không quá 60 ngày; cấp cơ sở không quá 45 ngày.
+ Trường hợp cần thiết, chủ thể kiểm tra có thể quyết định gia hạn thời gian kiểm tra nhưng không quá 1/3 thời gian kiểm tra đối với từng cấp theo quy định.
Đoàn kiểm tra được sử dụng con dấu của cấp uỷ để thực hiện nhiệm vụ.
- Đoàn kiểm tra xây dựng đề cương yêu cầu đối tượng kiểm tra báo cáo; lịch làm việc của Đoàn và phân công nhiệm vụ từng thành viên trong Đoàn; chuẩn bị các văn bản, tài liệu liên quan.
- Văn phòng cấp uỷ bảo đảm điều kiện cần thiết, kinh phí, phương tiện phục vụ Đoàn thực hiện nhiệm vụ theo quy định (nếu có).
Xem thêm nội dung tại Quyết định 89-QĐ/TW có hiệu lực từ ngày 01/12/2022.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |