Lịch nghỉ Tết Âm lịch 2023 của người lao động tại doanh nghiệp; Ban hành Luật Thanh tra 2022;,... là những nội dung sẽ có trong văn bản nổi bật tuần vừa qua (từ ngày 05/12 - 11/12/2022).
1. Lịch nghỉ tết Âm lịch 2023 của người lao động tại doanh nghiệp
Bộ LĐTB&XH có Thông báo 5034/TB-LĐTBXH ngày 07/12/2022 về việc nghỉ tết Âm lịch và nghỉ lễ Quốc khánh năm 2023 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Theo đó, các phương án nghỉ Tết Âm lịch 2023 của người lao động khối ngoài nhà nước gồm:
- 01 ngày cuối năm Nhâm Dần và 04 ngày đầu năm Quý Mão;
- 02 ngày cuối năm Nhâm Dần và 03 ngày đầu năm Quý Mão:
- 03 ngày cuối năm Nhâm Dần và 02 ngày đầu năm Quý Mão.
Ngoài ra, Bộ LĐTB&XH còn khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng thời gian nghỉ tết Âm lịch cho người lao động như quy định đối với công chức, viên chức.
Cụ thể, lịch nghỉ Tết của cán bộ, công chức, viên chức kéo dài 07 ngày, bắt đầu từ thứ Sáu, ngày 20/01/2023 (tức ngày 29 Tháng Chạp Năm Nhâm Dần) đến hết thứ Năm, ngày 26/01/2023 (tức mùng 5 tháng Giêng năm Tân Mão).
Thời gian nghỉ gồm 05 ngày nghỉ tết Âm lịch và 02 ngày nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần theo quy định tại khoản 3 Điều 111 Bộ luật Lao động.
2. Ban hành Luật Thanh tra 2022
Quốc hội thông qua Luật Thanh tra 2022 ngày 14/11/2022 quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra và thay thế Luật Thanh tra 2010.
Theo đó, bổ sung thời hạn ban hành kết luận thanh tra, cụ thể:
- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra ký ban hành kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình.
- Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản báo cáo, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có ý kiến bằng văn bản về nội dung được báo cáo;
Trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước không trả lời hoặc không có ý kiến khác với dự thảo kết luận thanh tra thì người ra quyết định thanh tra ban hành ngay kết luận thanh tra.
Trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có ý kiến bằng văn bản yêu cầu bổ sung, làm rõ về nội dung dự thảo kết luận thanh tra thì chậm nhất là:
30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đó, người ra quyết định thanh tra phải hoàn thiện, ban hành kết luận thanh tra.
Luật Thanh tra 2022 có hiệu lực từ ngày 01/7/2023 và thay thế Luật Thanh tra 2010.
3. Bổ sung trường hợp chứng chỉ bảo hiểm bị thu hồi
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 69/2022/TT-BTC ngày 16/11/2022 hướng dẫn chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm, chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm.
Theo đó, bổ sung trường hợp chứng chỉ bảo hiểm bị thu hồi như sau:
- Cá nhân không tham dự kỳ thi hoặc không thi đỗ kỳ thi chứng chỉ đại lý bảo hiểm tổ chức tại địa điểm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 21 Thông tư 69/2022/TT-BTC nhưng được doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô báo cáo kết quả thi đỗ;
- Kết quả hậu kiểm bài thi của thí sinh không đủ điều kiện thi đỗ kỳ thi chứng chỉ đại lý bảo hiểm theo quy định tại Thông tư 69/2022/TT-BTC; (Nội dung mới bổ sung)
- Thí sinh sửa chữa, gian dối hoặc giả mạo giấy tờ về nhân thân (Thẻ căn cước công dân/Giấy chứng minh nhân dân/Hộ chiếu) khi tham dự kỳ thi;
- Cá nhân nhờ người khác thi hộ kỳ thi chứng chỉ đại lý bảo hiểm; (Nội dung mới bổ sung)
- Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô và cá nhân đã gian dối trong việc chuyển đổi chứng chỉ đại lý bảo hiểm; (Nội dung mới bổ sung)
- Chứng chỉ bị thu hồi theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định pháp luật.
(So với Thông tư 125/2018/TT-BTC, không còn quy định trường hợp thí sinh dự thi được đào tạo trong thời gian cơ sở đào tạo bị buộc đình chỉ hoạt động đào tạo đại lý bảo hiểm theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm)
Thông tư 69/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 thay thế Thông tư 125/2018/TT-BTC.
4. Danh mục thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp được phép sử dụng tại Việt Nam từ 16/01/2023
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 19/2022/TT-BNNPTNT ngày 02/12/2022 về Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam.
Theo đó, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng trong nông nghiệp tại Việt Nam, gồm:
- Thuốc trừ sâu: 689 hoạt chất với 1670 tên thương phẩm.
(So với Thông tư 19/2021/TT-BNNPTNT, tăng từ 660 hoạt chất lên 689 và từ 1563 lên 1670 tên thương phẩm)
- Thuốc trừ bệnh: 651 hoạt chất với 1492 tên thương phẩm.
(So với Thông tư 19/2021/TT-BNNPTNT, tăng từ 617 hoạt chất lên 651 và từ 1377 lên 1492 tên thương phẩm)
- Thuốc trừ cỏ: 256 hoạt chất với 765 tên thương phẩm.
(So với Thông tư 19/2021/TT-BNNPTNT, tăng từ 245 hoạt chất lên 256 và từ 698 lên 765 tên thương phẩm)
- Thuốc trừ chuột: 8 hoạt chất với 37 tên thương phẩm.
(So với Thông tư 19/2021/TT-BNNPTNT, tăng từ 08 hoạt chất lên 09 và từ 36 lên 37 tên thương phẩm)
- Thuốc điều hoà sinh trưởng: 58 hoạt chất với 172 tên thương phẩm.
(So với Thông tư 19/2021/TT-BNNPTNT, tăng từ 53 hoạt chất lên 58 và từ 158 lên 172 tên thương phẩm)
- Chất dẫn dụ côn trùng: 8 hoạt chất với 8 tên thương phẩm.
- Thuốc trừ ốc: 31 hoạt chất với 152 tên thương phẩm.
- Chất hỗ trợ (chất trải): 5 hoạt chất với 6 tên thương phẩm
Thông tư 19/2022/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ 16/01/2023 thay thế Thông tư 19/2021/TT-BNNPTNT.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |