Từ cuối tháng 11/2020 (21/11 – 30/11) sẽ có các chính sách quan trọng trong lĩnh vực Tổ chức bộ máy nhà nước, Giáo dục, An ninh quốc gia… có hiệu lực thi hành, các chính sách cụ thể gồm có:
Nghị định 108/2020/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 37/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có hiệu lực thi hành từ 25/11/2020.
Theo đó, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện kể từ ngày 25/11/2020 sẽ áp dụng như sau:
Người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, là Ủy viên UBND cấp huyện do HĐND cấp huyện bầu, do Chủ tịch UBND cấp huyện bổ nhiệm, chịu trách nhiệm trước UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện và trước pháp luật về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của phòng và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy viên UBND cấp huyện theo Quy chế làm việc và phân công của UBND cấp huyện;
Bình quân mỗi phòng có 02 Phó Trưởng phòng. Căn cứ số lượng phòng chuyên môn được thành lập và tổng số lượng Phó Trưởng phòng, UBND cấp huyện quyết định cụ thể số lượng Phó Trưởng phòng của từng phòng chuyên môn cho phù hợp
Phòng CQ chuyên môn UBND cấp huyện bình quân có 02 Phó Trưởng phòng (Ảnh minh họa)
Nghị định 107/2020/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh có hiệu lực từ ngày 25/11/2020.
Theo đó, nhiệm vụ của Sở từ ngày 25/11/2020 sẽ có sự thay đổi, cụ thể phải trình UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh):
Dự thảo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của sở và các văn bản khác theo phân công của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
Dự thảo kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; chương trình, biện pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về ngành, lĩnh vực trên địa bàn cấp tỉnh trong phạm vi quản lý của sở;
Dự thảo quyết định việc phân cấp, ủy quyền nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực cho sở, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện);
Dự thảo quyết định quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của sở; dự thảo quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của chi cục và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở;
Dự thảo quyết định thực hiện xã hội hóa các hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và theo phân cấp của cơ quan nhà nước cấp trên.
Vừa qua, Bộ Giáo dục và đào tạo đã ban hành Thông tư 39/2020/TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo từ xa trình độ đại học.
Tiêu chí đánh giá chất lượng chương trình đào tạo ĐH từ xa theo thang 7 mức (Ảnh minh họa)
Theo đó, các tiêu chí của tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo được đánh giá theo thang 7 mức, trong đó:
Mức 1: Hoàn toàn không đáp ứng yêu cầu của tiêu chí, phải có giải pháp khắc phục ngay;
Mức 2: Không đáp ứng yêu cầu của tiêu chí, cần có những giải pháp khắc phục;
Mức 3: Chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của tiêu chí nhưng chỉ cần có một số cải tiến nhỏ sẽ đáp ứng được yêu cầu;
Mức 4: Đáp ứng yêu cầu của tiêu chí;
Mức 5: Đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí;
Mức 6: Đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí;
Mức 7: Đáp ứng xuất sắc yêu cầu của tiêu chí.
Các tiêu chí được đánh giá từ mức 1 đến mức 3 là chưa đạt yêu cầu, từ mức 4 đến mức 7 là đạt yêu cầu.
Chi tiết xem thêm tại: Thông tư 39/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 25/11/2020.
Thông tư 110/2020/TT-BCA quy định quy trình thu thập vân tay của người đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử và người đăng ký xuất cảnh, nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động vừa được Bộ Công an ban hành ngày 16/10/2020.
Theo đó, việc thu thập vân tay để cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử phải tuân theo các nguyên tắc sau:
- Việc thu thập vân tay được thực hiện trực tiếp, một lần bằng thiết bị, phần mềm, vật tư chuyên dụng hoặc từ Cơ sở dữ liệu về căn cước công dân đáp ứng được yêu cầu thu thập, số hóa, lưu trữ, chia sẻ vân tay trên hệ thống điện tử để phục vụ việc kiểm tra, xác định danh tính của một cá nhân trong cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử và khi xuất cảnh, nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động.
- Bảo đảm chính xác, đồng nhất giữa thông tin nhân thân của người được thu thập vân tay với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
- Ảnh vân tay thu thập của người đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử và người đăng ký xuất cảnh, nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động phải bảo đảm các tiêu chuẩn sau để nhận dạng tự động:
Tuân thủ tiêu chuẩn ISO/IEC 19794-4 với điểm chất lượng tối thiểu là 50;
Số điểm trích chọn đặc trưng tối thiểu 60 điểm;
Tâm của vân tay sai lệch với tâm của ảnh tối đa 32 điểm ảnh;
Mật độ ảnh phải đạt tối thiểu 500 điểm/inch;
Ảnh được nén theo chuẩn WSQ;
Ảnh phải đạt 256 mức xám.
Xem thêm tại: Thông tư 110/2020/TT-BCA có hiệu lực ngày 30/11/2020.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |