Chính sách quan trọng có hiệu lực từ đầu tháng 12/2020 (01/12 – 10/12)

Từ đầu tháng 12/2020 (01/12 – 10/12) sẽ có những chính sách quan trọng trong các lĩnh vực: Thuế, Hải quan, Báo chí – Xuất bản,… có hiệu lực thi hành. Cụ thể bao gồm:

1. Phạt tiền đến 30 triệu đồng nếu tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân trên các ấn bản báo chí

Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 119/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, có hiệu lực từ ngày 01/12/2020.

Theo đó, Nghị định 119/2020/NĐ-CP quy định hành vi tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân nhưng không được sự đồng ý của cá nhân đó sẽ bị phạt tiền  từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Ngoài ra, Điều 8 Nghị định 119/2020/NĐ-CP quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không nêu rõ xuất xứ nguồn tin khi đăng, phát trên báo chí khi sử dụng thông tin do cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm cung cấp cho báo chí.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

  • Đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng ít nghiêm trọng;

  • Minh họa, đặt tiêu đề tin, bài không phù hợp nội dung thông tin làm cho người đọc hiểu sai nội dung thông tin;

  • Đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác;

  • Đăng, phát ý kiến phản hồi không thể hiện đầy đủ nội dung theo quy định tại khoản 4 Điều 43 Luật Báo chí hoặc đăng, phát không đúng thời điểm theo quy định tại khoản 2 Điều 43 và khoản 5 Điều 42 Luật Báo chí.

Phạt tiền đến 30 triệu đồng nếu tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân trên các ấn bản báo chí (Ảnh minh họa)

2. Nghị định 120/2020/NĐ-CP: Điều kiện giải thể đơn vị sự nghiệp công lập

Từ 01/12/2020, Nghị định 120/2020/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập có hiệu lực thi hành.

Theo đó, đơn vị sự nghiệp công lập muốn tiến hành giải thể phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Không còn chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, phục vụ quản lý nhà nước;

  • Không đáp ứng đủ tiêu chí thành lập đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật;

  • Ba năm liên tiếp hoạt động không hiệu quả theo đánh giá của cơ quan có thẩm quyền; 

  • Thực hiện theo quy hoạch ngành quốc gia hoặc quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

Đơn vị sự nghiệp công lập ở nước ngoài: Ngoài việc đáp ứng một trong các điều kiện nêu trên, cần bảo đảm phù hợp với chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước sở tại về việc giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Chi tiết xem thêm tại Nghị định 120/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/12/2020.

3. Các trường hợp người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế

Các trường hợp người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế

Các trường hợp người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế (Ảnh minh họa)

Từ ngày 05/12/2020, Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế có hiệu lực thi hành, theo đó, người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế trong 05 trường hợp sau đây:

  • Người nộp thuế chỉ có hoạt động, kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với từng loại thuế;

  • Cá nhân có thu nhập được miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân và quy định tại điểm b khoản 2 Điều 79 Luật Quản lý thuế trừ cá nhân nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản; chuyển nhượng bất động sản;

  • Doanh nghiệp chế xuất chỉ có hoạt động xuất khẩu thì không phải nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng;

  • Người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh theo quy định tại Điều 4 Nghị định 126/2020/NĐ-CP;

  • Người nộp thuế nộp hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế, trừ trường hợp chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng, tổ chức lại doanh nghiệp theo quy định của khoản 4 Điều 44 Luật Quản lý thuế.

Chi tiết xem thêm tại: Nghị định 126/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 05/12/2020.

4. Quy định mới về thời hiệu xử phạt VPHC trong lĩnh vực hải quan

Nghị định 128/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hải quan có hiệu thi hành từ 10/12/2020.

Theo đó, tại Điều 4 Nghị định 128/2020/NĐ-CP quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan cụ thể như sau:

- Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế:

  • Đối với vi phạm hành chính là hành vi trốn thuế chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu thì thời hiệu xử phạt là 05 năm, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm;

  • Quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế thì người nộp thuế không bị xử phạt nhưng vẫn phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu không đúng hoặc số tiền thuế trốn, số tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trong thời hạn mười năm trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm hành chính về quản lý thuế.

- Thời hiệu xử phạt đối với các hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực hải quan thực hiện theo quy định tại Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, trừ các trường hợp trên.

- Đối với trường hợp xử phạt vi phạm hành chính do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến theo quy định tại Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì thời hiệu được áp dụng như sau:

  • Thời hiệu xử phạt là 05 năm, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm;

  • Thực hiện theo quy định tại Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 

648 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;