31/08/2022 16:44

Tổ chức xuất, nhập cảnh trái phép bị xử phạt như thế nào?

Tổ chức xuất, nhập cảnh trái phép bị xử phạt như thế nào?

Dạo gần đây tình hình xuất, nhập cảnh trái phép ở các khu vực biên giới của nước ta đang diễn ra phức tạp, nhất là trong thời kì covid vừa rồi. Ban biên tập cho tôi hỏi người tổ chức hoặc môi giới xuất nhập cảnh trái phép sẽ bị xử phạt như thế nào? (chị Thu Hương – Bắc Giang)

Chào chị, Ban biên tập Lawnet xin giải đáp câu hỏi của chị như sau:

Hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép có thể bị xử phạt hành chính hoặc thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ của hành vi.

Xử phạt hành chính

Khoản 7 Điều 18 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại như sau:

“7. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Làm giả hộ chiếu, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam hoặc thẻ ABTC;

b) Vào, ở lại đại sứ quán, lãnh sự quán, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc trụ sở cơ quan, tổ chức quốc tế đóng tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan, tổ chức đó;

c) Người nước ngoài cư trú tại các khu vực cấm người nước ngoài cư trú;

d) Chủ phương tiện, người quản lý phương tiện, người điều khiển các loại phương tiện vận chuyển người nhập cảnh, xuất cảnh Việt Nam trái phép;

đ) Tổ chức, môi giới, giúp sức, xúi giục, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác xuất cảnh, ở lại nước ngoài, nhập cảnh, ở lại Việt Nam hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép.

e) Người nước ngoài không chấp hành quyết định buộc xuất cảnh Việt Nam của cơ quan có thẩm quyền, tiếp tục cư trú tại Việt Nam.”

Như vậy, tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Ngoài ra, người nước ngoài có hành vi vi phạm còn bị trục xuất ra khỏi Việt Nam.

Truy cứu trách nhiệm hình sự

Điều 348 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định:

“1. Người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, thì bị phạt từ từ 01 năm đến 05 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Đối với từ 05 người đến 10 người;

d) Có tính chất chuyên nghiệp;

đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Đối với 11 người trở lên;

b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

c) Làm chết người.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Theo đó người nào vì mục đích vụ lợi mà thực hiện hành vi tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù lên đến 15 năm, ngoài ra còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Tại mục 2.8 Công văn 1557/VKSTC-V1 hướng dẫn chi tiết việc xác định yếu tố “vụ lợi” đối với tội danh này như sau:

Yếu tố “vụ lợi” quy định tại khoản 1 Điều 348 BLHS là động cơ người phạm tội nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc phi vật chất không chính đáng cho mình hoặc cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Qua thực tiễn thấy, động cơ của người phạm tội chủ yếu vì lợi ích vật chất; trường hợp người phạm tội vì lợi ích phi vật chất thì cần phải chứng minh rõ lợi ích phi vật chất đó để bảo đảm việc buộc tội có căn cứ.

Trên đây là quy định pháp luật về tội Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép. Sau đây mời chị cùng tham khảo thêm một số bản án về tội danh này đã được xét xử trên thực tế.

1. Bản án về tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép số 304/2021/HSPT

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng

- Quyết định của Tòa án: Tuyên bố: Các bị cáo Hồ Văn C, Hồ Văn L phạm tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”. Xử phạt mỗi bị cáo 05 năm tù

2. Bản án về tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép số 19/2022/HSST

- Cấp xét xử: Sơ thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân huyện BĐ, tỉnh Bình Phước

- Quyết định của Tòa án: Xử phạt bị cáo Huỳnh Văn M 02(hai) năm tù về tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”.

3. Bản án về tội tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép số 06/2022/HSST

- Cấp xét xử: Sơ thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân huyện BĐ, tỉnh Bình Phước

- Quyết định của Tòa án: Xử phạt bị cáo Trần Văn N 01 (một) năm tù về tội “Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép”.

4. Bản án về tội môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài số 70/2021/HSST

- Cấp xét xử: Sơ thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai

- Quyết định của Tòa án: Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Thu Th 5 (năm) năm tù về tội “Môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài”.

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
Phương Uyên
379


Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập

  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;