20/06/2022 16:37

Mức hình phạt cho hành vi buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm

Mức hình phạt cho hành vi buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm

Trong những năm gần đây tình trạng buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm đang rất phức tạp, nhất là hoặt động buôn bán trên môi trường facebook. Vậy hành vi này có thể bị đi tù không?

Theo quy định tại Khoản 7, Điều 3, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì hàng giả bao gồm:

"1...

7. “Hàng giả” gồm:

a) Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;

b) Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

c) Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 của Luật Dược năm 2016và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 của Luật Dược năm 2016;

d) Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng;

đ) Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;

e) Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.”

Mức hình phạt cụ thể đối với hành vi buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm được quy định tại Điều 193 Bộ luật hình sự năm 2015 của Việt Nam như sau:

Điều 193. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm

"1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;

g) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

h) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

i) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

k) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

l) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%;

m) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên;

b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

d) Làm chết người;

đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Thu lợi bất chính từ 1.500.000.000 đồng trở lên;

b) Làm chết 02 người trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

d) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;

đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

..."

Như vậy, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm có thể phải chịu mức hình phạt cao nhất là tù chung thân, đây là mức hình phạt thể hiện sự nghiêm khắc của Pháp luật Việt Nam đối với hành vi mang tính rất nghiêm trọng này.

Dưới đây là 02 bản án về tội buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm các bạn cùng tham khảo:

1. Bản án 160/2019/HS-ST ngày 17/12/2019 về tội buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực thẩm

Nội dung vụ án: “Lê Thị L thuê ki ốt số 66, khu A, tầng 1 chợ B thuộc phường L, thành phố P, tỉnh Hà Nam để bán hàng tạp hóa và hàng khô từ năm 2016. Quá trình bán hàng L gặp một người phụ nữ tên Y không rõ nhân thân lai lịch đi tiếp thị chào bán các loại mỳ chính, hạt nêm đóng gói trong các bao bì của các hãng nổi tiếng nhưng giá rẻ hơn giá nhập hàng chính hãng khoảng 4.000đ đến 6.000đ/gói và bảo hàng của N do người dân tự mua mì chính, hạt nêm của các hãng khác rồi đóng vào các vỏ bao bì giả in sẵn nhãn mác của các hãng nổi tiếng như Knorr, Ajinomoto. Thấy giá thấp hơn giá hàng chính hãng nên L đã mua các gói mì chính Ajinomoto và hạt nêm Knorr giả về bày bán lẫn lộn với mì chính và hạt nêm chính hãng tại quầy hàng của mình, giá bán các loại hàng giả trên bằng tiền hàng chính hãng.”

Mức hình phạt: Toà án tuyên bố bị cáo Lê Thị L phạm tội “Buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực thẩm”. Xử phạt: Bị cáo Lê Thị L 27 tháng tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 54 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

2. Bản án 41/2019/HS-ST ngày 24/07/2019 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực,thực phẩm, phụ gia thực phẩm

Nội dung vụ án: “Đầu tháng 12/2018,KT có lên chợ Mỹ Tho,KT phố Nam Định mua 01 bao mì chính Trung Quốc loại 25kg, với giá 820.000 đồng và mua vỏ bao bì ghi nhãn hiệu mỳ chính Ajinomoto, Miwon, hạt nêm Knorr với giá 250.000 đồng của 02 người phụ nữ, không biết tên và địa chỉ, mục đích đem về tự đóng gói hạt nêm, mì chính giả đem bán kiếm lời. Khoảng 4 giờ ngày 06/12/2018,KT lấy mì chính Trung Quốc loại 25 kg đã mua đóng gói vào các vỏ bao bì ghi nhãn hiệu mì chính Ajinomoto, Miwon. Lấy hạt nêm khuyến mại của các hãng nước mắm Nam Ngư, dầu ăn Neeptune để đóng gói vào vỏ bao bì ghi nhãn hiệu hạt nêm Knorr rồi dùng máy ép hàn nhiệt cho mịn như hàng thật. Bằng cách trên KT đã đóng gói được 40 gói hạt nêm nhãn hiệu Knorr; 18 gói mì chính nhãn hiệu Ajinomoto, 08 gói mì chính nhãn hiệu Miwon.”

Mức hình phạt: Tuyên bố bị cáo Đỗ Văn KT phạm tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực,thực phẩm, phụ gia thực phẩm”. Xử phạt bị cáo Đỗ Văn KT 24 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 48 tháng, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
Nguyễn Sáng
431


Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký

  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;