Trước hết, bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật được hiểu cụ thể như sau:
- Bắt người trái pháp luật là không có lệnh của người có thẩm quyền, không thuộc trường hợp phạm tội quả tang, không thuộc trường hợp bắt người có lệnh truy nã hoặc có lệnh bắt người nhưng thực hiện không đúng thủ tục.
- Giữ người trái pháp luật là hành vi ra lệnh tạm giữ người không đúng với quy định của pháp luật, không có lệnh của người có thẩm quyền; tạm giữ người quá hạn; giữ người thuộc trường hợp không được tạm giữ.
- Giam người trái pháp luật là người không có thẩm quyền thực hiện cách ly người khác trái pháp luật tại một địa điểm nhất định và trong khoảng thời gian nhất định.
Tội bắt, giữ hoặc giam người trái phái luật được quy định tại Điều 157 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) của Việt Nam như sau:
“1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người đang thi hành công vụ;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
g) Làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn;
h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Làm người bị bắt, giữ, giam chết hoặc tự sát;
b) Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nhân phẩm của người bị bắt, giữ, giam;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Mời các bạn cùng tham khảo bản án về tội bắt, giữ người trái pháp luật đã được xét xử trên thực tế.
Bản án về tội bắt giữ người trái pháp luật số 25/2021/HSST có nội dung như sau:
Ngày 02/4/2020, chị Th đã lấy trộm tài sản gồm 01 chiếc xe mô tô và 01 chiếc điện thoại di động hiệu Oppo F1S rồi bỏ trốn khỏi nhà của T. Do bực tức, T nhờ Nguyễn Tiến D, Phạm Anh P, Lê Văn D và Nguyễn Hoàng L đi tìm chị Th và nếu thấy chị T ở đâu thì bắt đưa chị Th về nhà T để T tra hỏi việc chị Th lấy trộm tài sản của T. Trưa ngày 06/4/2020, thấy chị T đang đi cùng bạn, L và P đuổi theo và ép đầu xe của chị Thương dừng lại. Tại đây, L và P bắt ép chị Th lên xe mô tô và tra hỏi về nguồn gốc tài sản mà chị Th đã lấy của T thì chị T nói điện thoại đã làm rơi mất còn xe máy thì đã mang cầm cố được số tiền 600.000 đồng. P điều khiển xe mô tô chở chị T về nhà của T rồi đánh đập, buộc chị Th khai ra số tài sản chị Th đã lấy trộm của T đang ở đâu. T dùng dây xích bằng sắt một đầu dùng ổ khóa xích chân của chị Thương lại, một đầu sợi dây xích T đục một lỗ ở tường đưa sợi dây xích ra bên ngoài và gài lại nhằm mục đích không cho chị Thương tháo ra và bỏ trốn. Trong thời gian xích chân của chị Thương thì T liên tục cho người canh giữ chị Thương và chỉ tháo xích cho chị Th khi có nhu cầu đi vệ sinh cá nhân, đến khoảng 23 giờ thì tháo xích ra cho chị Th ngủ.
Tòa án nhân dân thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai quyết định: tuyên bố: Các bị cáo Nguyễn Văn T, Lê Văn D, Nguyễn Tiến D, Phạm Anh P và Nguyễn Hoàng L phạm vào tội “Bắt giữ người trái pháp luật”.
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về