Trong pháp luật Dân sự của Việt Nam, sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia.
Điều 213 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định như sau:
“Điều 213. Sở hữu chung của vợ chồng
1.Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia.
2. Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
3. Vợ chồng thỏa thuận hoặc ủy quyền cho nhau chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
4. Tài sản chung của vợ chồng có thể phân chia theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của Tòa án.
5. Trường hợp vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình thì tài sản chung của vợ chồng được áp dụng theo chế độ tài sản này.”
Trong sở hữu chung hợp nhất, các chủ sở hữu chung có quyền, nghĩa vụ ngang nhau đối với tài sản thuộc sở hữu chung. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung phải do các bên định đoạt. Do đó, việc một người có hành vi cố ý hủy hoại tài sản chung mà chưa được sự chấp thuận của đồng sở hữu sẽ bị xử phạt hành chính từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng, tịch thu tang vật, phương tiện thực hiện hành vi theo quy định tại điểm a khoản 2, 3 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP và thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Hủy hoại tài sản” hoặc “Cố ý làm hư hỏng tài sản”.
Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) của Việt Nam quy định về tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản như sau:
“1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
...”
Tùy vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi, người phạm tội có thể phải chịu hình phạt lên đến 20 năm tù.
Tại Bản án 33/2021/HSST ngày 22/04/2021 về tội hủy hoại tài sản có nội dung như sau:
"Nguyễn Văn Ph và chị Dương Thị H là vợ chồng. Buổi chiều ngày 24/10/2020, Ph và chị H xảy ra xô xát, cãi nhau, chị H đuổi Ph ra khỏi nhà. Do bực tức việc chị H có lời nói xúc phạm và không cho vào nhà nên Ph cầm theo 01 chai xăng và 01 chiếc bật lửa ga đi về nhà với mục đích đốt giường ngủ và tài sản để đuổi chị H ra khỏi nhà. Sau khi đuổi vợ con ra ngoài, Ph đổ xăng lên chăn, đệm, gối ở trên giường và dùng bật lửa ga châm lửa vào chiếc chăn này làm lửa bùng lên cháy lan ra xung quanh, làm hư hỏng 01 chiếc máy giặt, 01 chiếc tủ lạnh, 01 chiếc tủ nhựa, loại tủ bốn cánh để quần áo là tài sản riêng của chị H. Ngoài ra còn bị hư hỏng 11 tấm tôn lạnh (tôn xốp), 01 chiếc giường ngủ là tài sản chung của vợ chồng Ph."
Tòa án nhân dân huyện Y, tỉnh Bắc Giang nhận định: bị cáo Ph do bực tức và suy nghĩ thiếu chín chắn mà đã cố ý trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của chị H một cách trái pháp luật. Do đó tuyên bố bị cáo Nguyễn Văn Ph phạm tội “Hủy hoại tài sản”. Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn Ph 02 ( hai) năm 03 ( ba) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo.
Như vậy, người nào có hành vi hủy hoại tài sản hoặc cố ý phá hoại tài sản của người khác, cho dù đó là tài sản chung của vợ chồng sẽ bị phạt tiền, phải bồi thường thiệt hại và có thể bị phạt tù tối đa lên đến 20 năm.
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về