Theo các Điều 107, Điều 71, Điều 111 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 của Việt Nam có quy định như sau:
“Điều 107. Nghĩa vụ cấp dưỡng
1. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này.
Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.
2. Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 119 của Luật này, Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật này.”
“Điều 71. Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng
...
2. Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.”
“Điều 111. Nghĩa vụ cấp dưỡng của con đối với cha, mẹ
Con đã thành niên không sống chung với cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha, mẹ trong trường hợp cha, mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.”
Như vậy, khi cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì con đã thành niên phải cấp dưỡng cho cha mẹ. Tuy nhiên, bất cập hiện nay là pháp luật chưa có văn bản nào hướng dẫn trực tiếp, rõ ràng về việc xác định như thế nào là người không có khả năng lao động từ đó dẫn đến việc không nhất quán trong áp dụng.
Cụ thể như những trường hợp cha mẹ đã nằm một chỗ, liệt hai chân, mù hai mắt, liệt cột sống, bị tâm thần nặng cần phải có người chăm sóc thì thường đương nhiên được xác định là không có khả năng lao động. Còn những trường hợp khác như cha mẹ đã già yếu nhưng vẫn có thể làm việc một cách hạn chế (hiểu rằng có thể đi bán vé số, nhặt ve chai một cách chậm chạp) thì vẫn không thuộc trường hợp con cái phải có nghĩa vụ cấp dưỡng.
Thiết nghĩ, cần có văn bản hưỡng dẫn cụ thể về trường hợp con cái phải cấp dưỡng cho cha mẹ, tránh trường hợp cha mẹ đã quá già yếu không thể đi làm kiếm tiền nhưng con cái có điều kiện lại bất hiếu không chăm sóc, cấp dưỡng cha mẹ.
Ngoài ra, hiện nay pháp luật Việt Nam cũng có những quy định để xử phạt răn đe các trường hợp không cấp dưỡng cho cha mẹ theo quy định tại điều 111 Luật hôn nhân gia đình 2014, cụ thể:
Thứ nhất, xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 54 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
“Điều 54. Vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
1. Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật.
2 Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.”
Thứ hai, bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu người con từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành này mà còn vi phạm theo quy định tại Điều 186 Bộ luật hình sự 2015 của Việt Nam, cụ thể:
“Điều 186. Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng
Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quyết định của Tòa án mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”
Thấy rằng pháp luật Việt Nam có quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng của các con đối với cha mẹ. Nhưng trước khi pháp luật lên tiếng hãy là người con có đạo đức chăm sóc, cấp dưỡng cho cha mẹ già khi mình đã thành niên và có khả năng kiếm tiền.
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về