So với quy định cũ, Quy định 69-QĐ-TW có một số điểm mới như sau:
Trước kia, tại Điều 27 Quy định 102/QĐ-TW quy định về vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình của Đảng viên như sau:
“1- Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng hoặc vi phạm trong trường hợp sinh con thứ ba (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác) thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
a) Cản trở, cưỡng bức thực hiện kế hoạch hóa gia đình; tham gia các hoạt động xét nghiệm, chuẩn đoán để xác định giới tính thai nhi trái quy định.
b) Khai báo hoặc xin xác nhận, giám định không trung thực về tình trạng sức khỏe của vợ (chồng), con để thực hiện không đúng quy định hoặc để trốn tránh không bị xử lý do vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.
2- Trường hợp vi phạm đã bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Khoản 1 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc vi phạm trong trường hợp sinh con thứ tư (trừ những trường hợp pháp luật có quy định khác) thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ).
3- Trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm trong trường hợp sinh con thứ năm trở lên hoặc vi phạm trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:
Gian dối trong việc cho con đẻ hoặc nhận nuôi con nuôi mà thực chất là con đẻ nhằm cố tình sinh thêm con ngoài quy định.”
Như vậy, Quy định 102/QĐ-TW quy định cụ thể Đảng viên sinh con thứ ba là vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình và bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
Đến nay, Quy định 69-QĐ-TW đã không còn liệt kê rõ “sinh con thứ ba” là một trong những trường hợp về vi phạm quy định chính sách dân số, cụ thể:
“Điều 52. Vi phạm quy định chính sách dân số
1. Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
a) Cản trở, cưỡng bức thực hiện kế hoạch hoá gia đình; tham gia các hoạt động xét nghiệm, chẩn đoán để xác định giới tính thai nhi trái quy định.
b) Vi phạm chính sách dân số.
2.Trường hợp vi phạm đã kỷ luật theo Khoản 1 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ):
a) Tuyên truyền, phổ biến hoặc ban hành văn bản có nội dung trái với chính sách dân số, truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc.
b) Gian dối trong việc cho con đẻ hoặc nhận nuôi con nuôi mà thực chất là con đẻ nhằm sinh thêm con ngoài giá thú hoặc trái quy định.
3. Trường hợp vi phạm Khoản 1, Khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ.”
Tuy nhiên, theo tinh thần của Nghị quyết 21-NQ/TW năm 2017 về công tác dân số trong tình hình mới, mỗi Đảng viên phải gương mẫu, tiên phong thực hiện chủ trương về công tác dân số, chỉ sinh 2 con là đủ và tiếp tục vận động, tuyên truyền chủ trương, chính sách này, cụ thể:
“1- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp
…
Đề cao tính tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chủ trương, chính sách về công tác dân số, nhất là sinh đủ 2 con, chú trọng nuôi dạy con tốt, gia đình hạnh phúc, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội.
2- Đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động về công tác dân số
…
Tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt. Tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng, đối tượng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp.”
Như vậy, Quy định 69-QĐ-TW mặc dù không liệt kê rõ trường hợp “sinh con thứ ba” mà thay bằng “vi phạm chính sách dân số” nhưng chính sách dân số vẫn là “mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con”, do đó việc sinh con thứ 3,4,5 vẫn là vi phạm và bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
Khoản 1 Điều 51 Quy định 69-QĐ-TW quy định như sau:
“1. Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
a) Can thiệp việc kết hôn, ly hôn hoặc để con tảo hôn.
b) Trốn tránh nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con, lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên.
c) Cản trở người không trực tiếp nuôi con được thăm con sau khi ly hôn (trừ trường hợp cha, mẹ bị hạn chế quyền thăm con theo quyết định của toà án).
d) Trốn tránh, không thực hiện nghĩa vụ giám hộ sau khi đã làm thủ tục công nhận giám hộ tại cơ quan có thẩm quyền theo pháp luật.
đ) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung, giả mạo giấy tờ để đăng ký nuôi con nuôi.
e) Không đăng ký kết hôn hoặc đang có vợ (chồng) nhưng vẫn sống chung với người khác như vợ, chồng.
g) Vi phạm pháp luật về mang thai hộ.”
So với quy định cũ, Quy định 69-QĐ-TW bổ sung trường hợp “Không đăng ký kết hôn hoặc đang có vợ (chồng) nhưng vẫn sống chung với người khác như vợ, chồng”. Theo đó, Đảng viên có hành vi không đăng ký kết hôn hoặc đang có vợ (chồng) mà vẫn sống chung với người khác như vợ chồng nếu gây hậu quả ít nghiêm trọng thì bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Trường hợp đã bị kỷ luật hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ)
Quy định 69-QĐ-TW có hiệu lực từ ngày ký và thay thế Quy định số 07-QĐi/TW và Quy định số 102-QĐ/TW.
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về