Cách tính thuế thu nhập cá nhân từ trúng thưởng như thế nào?

Cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú có thu nhập từ trúng thưởng thì tính thuế thu nhập cá nhân như thế nào?

Thu nhập từ trúng thưởng chịu thuế thu nhập cá nhân gồm những khoản nào?

Theo khoản 6 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC, được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 25 Thông tư 92/2015/TT-BTC, thu nhập từ trúng thưởng là các khoản tiền hoặc hiện vật mà cá nhân nhận được dưới các hình thức sau đây:

- Trúng thưởng xổ số do các công ty xổ số phát hành trả thưởng.

- Trúng thưởng trong các hình thức khuyến mại khi tham gia mua bán hàng hóa, dịch vụ theo quy định của Luật Thương mại.

- Trúng thưởng trong các hình thức cá cược, đặt cược được pháp luật cho phép.

- Trúng thưởng trong các trò chơi, cuộc thi có thưởng và các hình thức trúng thưởng khác do các tổ chức kinh tế, cơ quan hành chính, sự nghiệp, các đoàn thể và các tổ chức, cá nhân khác tổ chức.

Cách tính thuế thu nhập cá nhân từ trúng thưởng như thế nào?

Cách tính thuế thu nhập cá nhân từ trúng thưởng như thế nào? (Hình từ Internet)

Cách tính thuế thu nhập cá nhân từ trúng thưởng đối với cá nhân cư trú như thế nào?

Theo Điều 15 Thông tư 111/2013/TT-BTC, được sửa đổi bởi Điều 18 Thông tư 92/2015/TT-BTC, cách tính thuế thu nhập cá nhân từ trúng thưởng đối với cá nhân cư trú như sau:

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất

Trong đó:

* Thu nhập tính thuế:

Thu nhập tính thuế từ trúng thưởng là phần giá trị giải thưởng vượt trên 10 triệu đồng mà người nộp thuế nhận được theo từng lần trúng thưởng không phụ thuộc vào số lần nhận tiền thưởng.

Trường hợp một giải thưởng nhưng có nhiều người trúng giải thì thu nhập tính thuế được phân chia cho từng người nhận giải thưởng. Người được trúng giải phải xuất trình các căn cứ pháp lý chứng minh. Trường hợp không có căn cứ pháp lý chứng minh thì thu nhập trúng thưởng tính cho một cá nhân. Trường hợp cá nhân trúng nhiều giải thưởng trong một cuộc chơi thì thu nhập tính thuế được tính trên tổng giá trị của các giải thưởng.

Thu nhập tính thuế đối với một số trò chơi có thưởng, cụ thể như sau:

- Đối với trúng thưởng xổ số là toàn bộ giá trị tiền thưởng vượt trên 10 triệu đồng trên một (01) vé xổ số nhận được trong một đợt quay thưởng chưa trừ bất cứ một khoản chi phí nào.

- Đối với trúng thưởng khuyến mại bằng hiện vật là giá trị của sản phẩm khuyến mại vượt trên 10 triệu đồng được quy đổi thành tiền theo giá thị trường tại thời điểm nhận thưởng chưa trừ bất cứ một khoản chi phí nào.

- Đối với trúng thưởng trong các hình thức cá cược, đặt cược là toàn bộ giá trị giải thưởng vượt trên 10 triệu đồng mà người tham gia nhận được chưa trừ bất cứ một khoản chi phí nào.

- Đối với trúng thưởng từ các trò chơi, cuộc thi có thưởng được tính theo từng lần lĩnh thưởng. Giá trị tiền thưởng bằng toàn bộ số tiền thưởng vượt trên 10 triệu đồng mà người chơi nhận được chưa trừ bất cứ một khoản chi phí nào.

* Thuế suất:

Thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ trúng thưởng áp dụng theo Biểu thuế toàn phần với thuế suất là 10%.

* Thời điểm xác định thu nhập tính thuế:

Thời điểm xác định thu nhập tính thuế đối với thu nhập từ trúng thưởng là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thưởng cho người trúng thưởng.

Cách tính thuế thu nhập cá nhân từ trúng thưởng đối với cá nhân không cư trú như thế nào?

Theo Điều 23 Thông tư 111/2013/TT-BTC, cách tính thuế thu nhập cá nhân từ trúng thưởng đối với cá nhân không cư trú như sau:

- Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ trúng thưởng của cá nhân không cư trú được xác định bằng thu nhập tính thuế nhân (×) với thuế suất 10%.

- Thu nhập tính thuế từ trúng thưởng của cá nhân không cư trú là phần giá trị giải thưởng vượt trên 10 triệu đồng theo từng lần trúng thưởng tại Việt Nam.

Thu nhập từ trúng thưởng của cá nhân không cư trú được xác định như đối với cá nhân cư trú theo hướng dẫn tại khoản 1, Điều 15 Thông tư 111/2013/TT-BTC.

- Thời điểm xác định thu nhập tính thuế đối với thu nhập từ trúng thưởng: thời điểm xác định thu nhập tính thuế là thời điểm tổ chức, cá nhân ở Việt Nam trả tiền thưởng cho cá nhân không cư trú.

Phân biệt cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú như thế nào?

Căn cứ khoản 1, 2 Điều 1 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú như sau:

* Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

- Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam, trong đó ngày đến và ngày đi được tính là một (01) ngày. Ngày đến và ngày đi được căn cứ vào chứng thực của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh trên hộ chiếu (hoặc giấy thông hành) của cá nhân khi đến và khi rời Việt Nam. Trường hợp nhập cảnh và xuất cảnh trong cùng một ngày thì được tính chung là một ngày cư trú.

Cá nhân có mặt tại Việt Nam là sự hiện diện của cá nhân đó trên lãnh thổ Việt Nam.

- Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo một trong hai trường hợp sau:

+ Có nơi ở thường xuyên theo quy định của pháp luật về cư trú:

++ Đối với công dân Việt Nam: nơi ở thường xuyên là nơi cá nhân sinh sống thường xuyên, ổn định không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú theo quy định của pháp luật về cư trú.

++ Đối với người nước ngoài: nơi ở thường xuyên là nơi ở thường trú ghi trong Thẻ thường trú hoặc nơi ở tạm trú khi đăng ký cấp Thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an cấp.

+ Có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở, với thời hạn của các hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế, cụ thể như sau:

++ Cá nhân chưa hoặc không có nơi ở thường xuyên nhưng có tổng số ngày thuê nhà để ở theo các hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế cũng được xác định là cá nhân cư trú, kể cả trường hợp thuê nhà ở nhiều nơi.

++ Nhà thuê để ở bao gồm cả trường hợp ở khách sạn, ở nhà khách, nhà nghỉ, nhà trọ, ở nơi làm việc, ở trụ sở cơ quan,... không phân biệt cá nhân tự thuê hay người sử dụng lao động thuê cho người lao động.

Trường hợp cá nhân có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo quy định tại khoản này nhưng thực tế có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày trong năm tính thuế mà cá nhân không chứng minh được là cá nhân cư trú của nước nào thì cá nhân đó là cá nhân cư trú tại Việt Nam.

Việc chứng minh là đối tượng cư trú của nước khác được căn cứ vào Giấy chứng nhận cư trú. Trường hợp cá nhân thuộc nước hoặc vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định thuế với Việt Nam không có quy định cấp Giấy chứng nhận cư trú thì cá nhân cung cấp bản chụp Hộ chiếu để chứng minh thời gian cư trú.

* Cá nhân không cư trú là người không đáp ứng điều kiện của cá nhân cư trú.

Tính thuế thu nhập cá nhân
Cùng chủ đề
Hỏi đáp Pháp luật
Cách tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương tiền công như thế nào?
Hỏi đáp Pháp luật
Có thu nhập từ chuyển nhượng vốn thì tính thuế thu nhập cá nhân như thế nào?
Hỏi đáp Pháp luật
Cách tính thuế thu nhập cá nhân từ đầu tư vốn như thế nào?
Hỏi đáp Pháp luật
Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản được tính như thế nào?
Hỏi đáp Pháp luật
Cách tính thuế thu nhập cá nhân từ trúng thưởng như thế nào?
Hỏi đáp Pháp luật
Cách tính thuế thu nhập cá nhân từ nhượng quyền thương mại thế nào?
Hỏi đáp Pháp luật
Trợ cấp thôi việc có bị tính thuế thu nhập cá nhân không?
Hỏi đáp Pháp luật
Cách tính thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng phần vốn góp như thế nào?
Tác giả: Đỗ Văn Minh
Lượt xem: 30
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;